1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Kỷ luật nhiều kiểm lâm, cán bộ bảo vệ để xảy ra chặt phá rừng

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Liên quan đến vụ bảo vệ công ty khoáng sản chặt phá rừng, nhiều cán bộ đã nhận hình thức kỷ luật.

Ngày 14/4, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An - cho biết đã có báo cáo lên Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan vụ chặt phá rừng tại xã Nậm Cắn

"Các đơn vị tự nhận hình thức kỷ luật và gửi báo cáo về UBND huyện. Hình thức kỷ luật cuối cùng chờ ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Thường vụ Huyện ủy, khi cần có thể lấy ý kiến của Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", ông Nguyễn Hữu Minh cho hay.

Kỷ luật nhiều kiểm lâm, cán bộ bảo vệ để xảy ra chặt phá rừng - 1

Cơ quan chức năng thu nhiều phiến gỗ trong vụ phá rừng tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Minh, trong báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn đã đưa ra hình thức xử lý kỷ luật khiển trách đối với kiểm lâm viên Hà Minh Đông, phụ trách địa bàn xã Nậm Cắn; kiểm điểm, nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn.

Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ, khiển trách ông Thái Khắc Bảo, cán bộ phụ trách xã Nậm Cắn. Kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Trọng Hào - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Hữu Kiệm và tập thể lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn.

Đối với UBND xã Nậm Cắn, tổ chức kiểm điểm, nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với vai trò, trách nhiệm trong việc thiếu chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời ngăn chặn xử lý vụ việc.

Như Dân trí đã thông tin, ngày 17/3, UBND huyện Kỳ Sơn nhận được thông tin về vụ việc khai thác lâm sản trái phép tại xã Nậm Cắn. Khu vực xảy ra phá rừng là tiểu khu 416, thuộc địa phận bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn. 

Kỷ luật nhiều kiểm lâm, cán bộ bảo vệ để xảy ra chặt phá rừng - 2

Một trong số nhiều cây gỗ có đường kính từ 30-65 cm bị chặt hạ.

Ngày 24/3, sau khi có báo cáo từ Hạt Kiểm lâm, UBND huyện Kỳ Sơn tiếp tục thành lập đoàn liên ngành vào hiện trường kiểm tra lại vụ chặt phá rừng. Qua 2 lần kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 11 cây gỗ bị chặt hạ, chủng loại thuộc nhóm 4, đường kính trung bình các cây bị chặt hạ từ 30-65 cm, tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ là 15,63 m3 gỗ tròn.

Toàn bộ 11 cây gỗ bị chặt hạ đều nằm trong diện tích rừng thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn. Trong đó có 5 cây thuộc lô 8, khoảnh 1 tiểu khu 416 thuộc đối tượng đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, 6 cây còn lại thuộc lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 416, đối tượng đất rừng sản xuất.

Kỷ luật nhiều kiểm lâm, cán bộ bảo vệ để xảy ra chặt phá rừng - 3

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ một số cây gỗ bị chặt nhưng chưa có người nhận.

Khu vực gỗ bị khai thác trái phép nằm ở chân lèn đá, cách khu vực đơn vị thăm dò khoáng sản khoảng 100 m. Hiện trạng khu vực đơn vị thăm dò đang có một máy múc, lán lợp tôn tạm, nhiều phiến đá xẻ. 

Qua đấu tranh, xác minh, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn xác định 4 trong tổng số 11 cây do ông Lương Văn Phanh (trú bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn) chặt hạ với tổng khối lượng 1,95 m3; 7 cây còn lại với khối lượng 13,68 m3 hiện chưa xác định được đối tượng chặt hạ.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho biết, khu vực rừng bị phá thuộc Công ty TNHH khai thác và kinh doanh khoáng sản Việt Nam thăm dò từ năm 2013 với diện tích hơn 12 ha. Năm 2019, đơn vị này tiếp tục được gia hạn giấy phép thăm dò đến ngày 22/2/2020. Đã hơn 2 năm kể từ khi giấy phép hết hiệu lực nhưng máy móc và phương tiện vẫn đang được tập kết tại khu vực này. Tại đây, hàng chục tảng đá lớn còn nằm ngổn ngang.