1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỳ lạ những chiếc máy bay rỗng khách phải cất cánh lòng vòng trên trời

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Hiện nay, tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn có những chuyến bay không có khách cất cánh lên rồi lại hạ cánh xuống, quy trình này được hãng hàng không tiết lộ là rất tốn kém.

An toàn là số một

Ngành hàng không đang có các cơ sở hậu cần, kỹ thuật lớn tập trung ở sân bay Nội Bài - Hà Nội và Tân Sơn Nhất - TPHCM. Thời gian qua, do dừng bay để phòng chống dịch bệnh nên hầu hết máy bay của các hãng đều đỗ lại ở hai sân bay lớn nhất nước này.  

Đặc thù của hàng không là dừng khai thác bay thì các hãng vẫn phải duy trì hoạt động với khoản chi phí cố định rất lớn như thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ...  

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways - cho biết: Sản xuất bất cứ cái gì đều có 2 phần chi phí gồm chi phí cố định và chi phí biến động. Nếu có hoạt động khai thác hàng không thì chi phí cố định vẫn duy trì. Ngược lại, nếu không bay thì chỉ tiết kiệm được chi phí biến động, cụ thể là có thể giảm được xăng, giảm được tiền lương.

"Nếu tìm hiểu sâu, hiện nay, tại các sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn có những chuyến bay cất cánh lên rồi lại hạ cánh xuống để duy trì bảo dưỡng tàu bay. Quy trình này rất tốn kém" - ông Quân tiết lộ và cho biết lý do vì yêu cầu bắt buộc trong bảo dưỡng máy bay để đảm bảo an toàn và chắc chắn rằng luôn trong tình trạng sẵn sàng khai thác.

Kỳ lạ những chiếc máy bay rỗng khách phải cất cánh lòng vòng trên trời - 1

Dù dừng khai thác nhưng máy bay vẫn phải cất cánh bay vòng trên trời vì hoạt động bảo dưỡng (Ảnh: Tiến Tuấn). 

Đề cập tới vấn đề này, ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết: Với tất cả các hãng hàng không khác, an toàn là quan trọng nhất và đặt lên trên hết.

"Chúng tôi phải tuân thủ các quy định của Cục Hàng không Việt Nam, các quy định trong luật và các điều kiện của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế. Bất kỳ một chuyến bay nào khi cất cánh đều phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn là trước hết, không phải là doanh thu" - ông Trịnh Hồng Quang nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, hiện nay các hãng hàng không đều đã sẵn sàng bay trở lại. Nếu cho phép bay, chỉ 2 tiếng sau khi ra quyết định là có thể bay được.

Một con số đáng chú ý mà Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam nêu ra mới đây là trong tháng 5 và 6, doanh thu của các hãng hàng không giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020. Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi hơn 100 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, việc dừng bay khiến ngành hàng không "bốc hơi" trên 500 tỷ đồng/ngày.

Kiểm soát chứng chỉ an toàn hàng không thế nào?

Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - thông tin về việc đảm bảo an toàn hàng không trong bối cảnh dừng bay, cũng như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề của nhân viên hàng không.

Theo đó, các hãng hàng không của Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ quy định về đào tạo, huấn luyện để duy trì năng lực của nhân viên hàng không. Trong trường hợp bất khả kháng, khi không thể thực hiện quy trình chuẩn thì cần có quy định bổ trợ.

"Ví dụ một phi công đến thời kỳ phải luyện tập thực hành trên thiết bị mô phỏng, nhưng lúc đó trong nước không có thiết bị và phi công không thể ra nước ngoài thì chúng ta buộc phải gia hạn. Nhưng khi sắp xếp thành viên phi hành đoàn, trên một chuyến bay, người ở vị trí cơ trưởng bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ điều kiện. Chỉ có thể nhân nhượng về gia hạn chứng chỉ huấn luyện trên thiết bị bay mô phỏng với vị trí phi công bay kèm" - ông Cường dẫn chứng.

Kỳ lạ những chiếc máy bay rỗng khách phải cất cánh lòng vòng trên trời - 2

Với hàng không, an toàn khai thác là yêu cầu quan trọng số một (Ảnh: Đỗ Linh). 

Phó Cục trưởng Cục Hàng không cũng cho biết, trong thời kỳ dịch bệnh, kể cả phải cách ly ở trong và ngoài nước nhưng Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airways… vẫn tìm cách đưa phi công ra nước ngoài để đào tạo, huấn luyện, đảm bảo năng lực nhân viên theo đúng quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới và Việt Nam. Vì vậy, việc mở lại hàng không không không chỉ cần tuần tự theo từng bước phòng chống dịch mà còn phải phù hợp với năng lực của ngành hàng không để tránh bị quá tải và đảm bảo an toàn.

"Chúng ta đang duy trì đội tàu bay khai thác thời gian ngắn, mỗi tháng bay một lần để đảm bảo các tàu bay này sẵn sàng đủ điều kiện bay an toàn, hỗ trợ địa phương vận chuyển thiết bị y tế. Toàn ngành hàng không đang căng mình trong bão dịch Covid-19. Dù khó khăn về tài chính nhưng tuyệt đối không có chuyện buông lỏng việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn về khai thác và đảm bảo an ninh hàng không" - ông Cường nói về vấn đề an toàn khai thác tàu bay.

Trong khi đó, ở góc độ nhà khai thác cảng hàng không, ông Nguyễn Quốc Phương - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - cho rằng phải lấy dần lại vị thế so với các hãng, cảng hàng không trong khu vực. Hiện hàng ngày các chuyến bay quốc tế vẫn đến Việt Nam từ 150-170 chuyến, có tới 40% vẫn là bay chở khách.

"Chúng ta đang bị mất số lượng khách rất lớn đó chuyển sang đi các hãng của Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông... Việc đó cho thấy, chúng ta đang bị thua trên chính sân nhà của mình. Nếu không quyết tâm và có lộ trình mở cửa các đường bay sớm thì việc thua trên sân nhà có lẽ còn kéo dài" - ông Phương thông tin thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm