50% sự cố an toàn hàng không do lỗi chủ quan
(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 472 sự vụ và trường hợp liên quan đến an toàn bay, trong đó có nhiều sự cố đáng chú ý.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ phía nhà chức trách thì có tới 50% sự cố trong lĩnh vực hoạt động bay là do lỗi chủ quan gây ra, trong đó phần lớn do chuyên môn kém hoặc ý thức kém.
Với lĩnh vực không lưu và khai thác bay, sự việc điển hình xảy ra là 2 kiểm soát viên trực không lưu đánh nhau khi đang điều hành bay tại AACC Hồ Chí Minh (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), ngày 17/1. Sự việc khiến vị trí điều hành chính tại phân khu 2 bị vô hiệu hóa, công việc điều hành bay tại đây bị gián đoạn, nhiều máy bay lúc đó “buộc” phải bay trong trạng thái không có sự chỉ dẫn, theo dõi và giám sát của hệ thống kiểm soát không lưu.
Ngày 29/5, tổ lái của chuyến bay VJC8882 DAN-NBA nhập không đúng số liệu bay nên tàu bay có hướng bay không chuẩn. Vụ việc đã được kiểm soát tiếp cận (APP)/TWR Đà Nẵng phát hiện và xử lý.
Một sự cố hi hữu khác trong lĩnh vực không lưu và khai thác bay cũng đã xảy ra không đảm bảo phân cách giữa SIA831 và GIA899 trên khu vực Phan Thiết ngày 10/6 mới đây (AACC Hồ Chí Minh).
Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận cần lưu ý đặc biệt về việc tái diễn các trường hợp lăn nhầm đường băng đang đóng cửa khi đã có thông báo; các chuyến bay quá cảnh không có hoặc không thiết lập liên lạc không địa với cơ sở điều hành bay tại điểm vào vùng thông báo bay (FIR); xuất một số hiện hiện tượng có gió đứt tại đường CHC 25K sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, xuất hiện nhiều trường hợp động vật (chó, mèo, trâu, bò) trên khu hoạt động tại sân bay, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay. Hiện tượng có chim và dơi ở khu vực bay Tân Sơn Nhất cũng liên tục xảy ra. Nhiều trường hợp trục trặc kỹ thuật tàu bay đã ảnh hưởng đến hoạt động bay khác và công tác điều hành bay.
“Thiếu” rào chắn: Khó đảm bảo an toàn bay
Đối với hàng không, việc đóng cửa sân bay vài chục phút hoặc 1 -2 tiếng đồng hồ có ảnh hưởng vô cùng lớn trong điều hành và khai thác bay. Lệnh đóng cửa sân bay có thể được ban bố đối với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, bom mìn hay những vấn đề an ninh bất khả kháng.
Tuy nhiên, vụ bò tót lọt vào sân bay Phú Bài (Thừa thiên - Huế) hồi cuối tháng 7 vừa qua khiến nhà chức trách phải đóng cửa sân bay gần 1 ngày là chuyện xưa nay hiếm với lịch sử hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Con bò tót được vây bắt đã chết và người ta vẫn không thể hiểu nó đã dùng “chiêu” nào để lọt vào sân bay Phú Bài, nhưng việc thiếu rào chắn bảo vệ khu vực hoạt động bay là lí do có vẻ như rõ ràng và thực tế nhất cho trường hợp này.
Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho rằng, vốn xây sân bay thì có, vốn làm hàng rào thì không. Đảm bảo an ninh an toàn trong điều kiện không hàng rào là vô cùng khó. Nếu chưa có tiền làm hàng rào thì cần có phương án bố trí người tuần tra kiểm soát sao cho hiệu quả hơn hiện nay.
Cấm bay 24 trường hợp vi phạm Ông Nguyễn Văn Linh - Trưởng Phòng An ninh Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã có quyết định cấm bay với 24 trường hợp vi phạm. Vẫn chưa có dấu hiệu giảm đối với những vi phạm như: mở cửa thoát hiểm, “nghịch” cửa máy bay, hút thuốc lá, không tuân theo hướng dẫn của tổ bay trên máy bay... Được biết, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng an ninh hàng không đã ngăn chặn kịp thời 41 vụ việc vi phạm an ninh hàng không. Trong đó, có 4 vụ việc tung tin có bom, vật liệu nổ; 4 vụ gây rối đe dọa hành hung nhân viên hàng không đang làm nhiệm vụ; 11 vụ vận chuyển vũ khí trái phép (chủ yếu là súng hơi). |