Kỳ lạ cây nguyên thủy giữa lòng Hà Nội
Đó chính là cây khuyết lá thông hay còn gọi là cây răng dê lá thông trong sách Đỏ.
Cây khuyết lá thông duy nhất ở phố cổ
Cây khuyết lá thông (cây Psilotum nudum Griseb, họ Psilotaceae) - hay còn được gọi bằng nhiều tên khác như cây răng dê lá thông, lá thông, nụ thông, dương xỉ trần, tóc tiên - là một loài cây quý hiếm được ghi danh trong sách Đỏ Việt Nam (là danh sách các loài động vật, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút về số lượng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng). Ngay giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến, loài cây quý này đã được GS Vũ Văn Chuyên phát hiện mọc ở phía trên trụ cổng sắt tòa biệt thự cổ trên phố Chân Cầm.
Loài cây quý hiếm này vốn là cây cỏ sống lâu năm, sống bám, cao khoảng 20 - 60cm, không có rễ, chỉ có những rễ giả, còn bộ máy hấp thụ là những lớp lông. Trong sách Đỏ Việt Nam có ghi rõ, đây là loại cây có thân rễ dài, mọc bò. Cành mọc theo lối rẽ đôi, mọc đứng hoặc thõng xuống phía dưới, màu xanh lục. Cành nhỏ tiết diện tam giác, có lỗ khí dày màu trắng. Lá rất nhỏ do sự thoái hoá, dai, có một lớp sừng, không có lỗ khí, ngoài mặt lồi lõm không đều. Bào tử hình cầu, cuống ngắn mọc ở kẽ các lá, có 3 ô, nứt dọc. Lá bào tử hình trứng, rộng, 2 lỗ. Tái sinh bằng bào tử và bằng thân rễ. Mọc trên thân cây gỗ to và trong các hốc đá ở độ cao 200 - 2.000m trong rừng hay ở bìa rừng. Cây khuyết lá thông tái sinh bằng bào tử và thân rễ.
Theo GS Vũ Văn Chuyên thì trong số các ngành thực vật bậc cao có ở Việt Nam, khuyết lá thông là đại diện của một ngành rất cổ, hiện chỉ còn duy nhất một họ, một chi và một loài. Tính chất nguyên thủy không chỉ biểu hiện ở chỗ cây hoàn toàn không có mầm rễ (một đặc điểm rất tiêu biểu cho các thực vật bậc cao khác), mà ngay trong cách phân cành lưỡng phân đều đặn cũng đã thể hiện tính chất cổ sơ của nó trong hệ thực vật. Chính các tính chất nguyên thủy cổ xưa của loài cây này đã giúp cho các nhà thực vật học xác định vị trí phân loại cho cây. Sự tồn tại của loài cây nguyên thủy còn giúp các nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu, đánh giá sâu sắc hơn về những hướng tiến hóa của thực vật. Tuy nhiên, hiện khuyết lá thông bị đe dọa có thể tuyệt chủng do môi trường sống trong rừng bị tàn phá, ngày càng thu hẹp diện tích.
Trị vết thương, tê thấp hiệu nghiệm
Cây khuyết lá thông từng được các nhà thực vật học phát hiện sinh trưởng ở Bắc Hà (Lào Cai), núi Pia Oắc (Cao Bằng), Hữu Lũng (Lạng Sơn), Sơ Nglang (Gia Lai) và một số tỉnh khác như Ninh Thuận, Vĩnh Phúc... Trên thế giới, loài cây quý này có ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay các vùng miền Nam nước Mỹ. Với dáng dấp đẹp yểu kiều, khuyết lá thông còn được nhiều nước ở châu Âu và cả Nhật Bản nhập về trồng trong các nhà kính, nhằm phục vụ nhu cầu cây cảnh. Khuyết lá thông càng trở nên quý hiếm khi ngày nay người ta chỉ thấy chúng có rải rác ở một số nơi với rất ít cá thể. Trong đó, màu cau trắng là loại đặc hữu của Việt Nam, hiện chỉ mới thấy ở khu vực chợ Bờ (huyện Đà Bắc, Hòa Bình), huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
GS Vũ Văn Chuyên cho biết, đây là một nguồn gene quý hiếm, độc đáo vì đó là một trong những ngành cây cổ còn lại. Không chỉ quý hiếm mà khuyết lá thông còn là một loại cây có dáng đẹp, thanh mảnh như một loài cây cảnh. Cây còn có thể được dùng để ngâm rượu, uống trị các vết thương bầm dập rất hiệu nghiệm. Ở Trung Quốc, người ta còn dùng cây để chữa vết thương do bị đánh đập hay ngã, chảy máu bên trong, đau do tê thấp, viêm dây thần kinh toạ, mất kinh nguyệt. Theo GS Vũ Văn Chuyên, vào đầu thế kỷ XIX, cây Psilotum (Khuyết lá thông) đã được phân biệt với các chi khác. Năm 1917, người ta phát hiện ra nguyên tán của nó. Nhưng chỉ mới cách đây 30 năm người ta mới coi nó như là nhóm thấp nhất của thực vật bậc cao và xếp vào trong một ngành riêng biệt chỉ gồm có 1 lớp, 1 họ và 2 chi (chi Psilotum gồm hai loài Psilotum nudum Griseb; Psilobum triquetru Sw).
Ở Hà Nội, nơi loài cây quý được phát hiện là một ngôi biệt thự cổ xưa mang đặc trưng của kiến trúc Pháp với hơn 100 năm tuổi, còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử một thời trên từng bậc thang, từng nét uốn lượn trong họa tiết trang trí. Ngay phía trên hai cột cổng của tòa biệt thự, vẫn còn đó hai cây cảnh cũng đã hơn 100 năm tuổi. Bà Đỗ Kim Phụng, một người gốc Hà Nội, gia đình sinh sống ở tòa biệt thự từ khi nó được xây dựng cho biết: "Ngôi nhà được xây dựng đã hơn 100 năm. Hai cây cảnh phía trên cổng của tòa nhà cũng được ông bà tôi trồng khi xây dựng xong. Qua bao năm tháng mưa gió, bão bùng... mà hai cây vẫn sống, gốc của chúng ngày càng nhiều gờ và đốt.
Người được mệnh danh "từ điển sống" về thực vật Người đầu tiên phát hiện ra loài cây khuyết lá thông giữa lòng Hà Nội là GS Vũ Văn Chuyên. GS Vũ Văn Chuyên là một trong hai người Việt Nam có tên trong cuốn từ điển chuyên về cỏ, cây, gia vị và cây thuốc của thế giới. Ông cũng là một trong số ít những nhà khoa học của Việt Nam có thể sử dụng thành thạo 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Bồ Đào Nha, Đức, Latinh. Chính ông là người đã phát hiện ra công dụng chữa bỏng tuyệt vời của cây xoan nhừ, xoan trà. Loại vỏ cây này sau đó đã được dùng làm nguyên liệu chế thuốc bỏng B76 dùng trong chiến tranh chống Mỹ. Đặc biệt, ông đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu thành công thuốc cai nghiện ma tuý Cedemex, mang lại nguồn hy vọng cho nhiều bệnh nhân nghiện ma tuý. Vị giáo sư này cùng với các đồng nghiệp còn nghiên cứu, tiến tới sản xuất các thuốc điều trị HIV/AIDS, khối u tiền liệt tuyến, chống lão hoá và tăng cường hoạt động của hormon dựa trên cơ chế sinh bệnh học và tính năng dược lý của một số loại thảo dược sẵn có ở Việt Nam. Cả đời miệt mài nghiên cứu nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất và quý báu nhất đối với ông chính là lần được gặp Bác Hồ. Ấy là thời điểm sau năm 1945, khi đó ông đang dạy học ở trường Tri Phương, phố Phủ Doãn, thì Bác vi hành đến thăm trường. Ông đã vinh dự được Bác hỏi chuyện về nghề, về công việc lúc đó. Đến bây giờ, dù đã ở cái tuổi "gần đất xa trời", vị giáo sư vẫn nhớ như in lời căn dặn của Bác năm xưa: "Vì lợi ích mười năm thì trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì trồng người". Ngay thời khắc ấy, ông đã hứa với Bác, sẽ trọn đời theo nghề dạy học. Vị giáo sư được ví như "từ điển sống" về thực vật, năm nay đã tròn 90 tuổi. Ngôi nhà nhỏ trong ngõ 27 Nhà Chung quá chật chội và bất tiện cho sinh hoạt đối với người già yếu nên người con gái đã đưa giáo sư về sống cùng để tiện bề chăm sóc. |