1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ tai nạn Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh:

Kỳ cuối: Những kỷ niệm cuối cùng

(Dân trí) - 18 năm là khoảng thời gian đủ để làm nguôi ngoai nhiều điều. Cuộc sống vận động không ngừng, những nhân chứng, bạn bè đồng trang lứa của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ngày ấy, bây giờ đã trở thành những người có tuổi và những ký ức về cặp vợ chồng tài hoa bạc mệnh luôn được họ trân trọng cất giữ thiêng liêng.

Kỳ 2: Tường thuật của những nhân chứng sống

Bàng hoàng tiếc thương

Sự ra đi đột ngột và đầy bất ngờ của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và cháu nhỏ đã khiến cả Hà Nội sững sờ, thương tiếc. Sáng 30/8/1988, hầu hết các báo đều đăng tin buồn. Đài phát thanh thành phố cũng loan tin ngay trong bản tin sớm. Ở những quán cà phê, hàng nước, những nơi công cộng, đâu đâu cũng thấy người ta xôn xao bàn tán về vụ tai nạn.

Nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại ba ngày sau khi tai nạn xảy ra (lúc đó tôi đang du học Liên Xô): "Hôm đó, tôi sang trường Bưu điện chơi. Vừa vào phòng một anh bạn nghiên cứu sinh thì thấy mắt anh đẫm nước, rồi bảo: "Xin chia buồn với Định". Tôi ngớ người chẳng hiểu gì cả. Anh đưa cho tôi tờ báo Nhân dân, ở trang 8 có một ô nhỏ đóng khung bắt đầu bằng hai chữ: Tin buồn..."

PGS.TS Lưu Khánh Thơ (em ruột Lưu Quang Vũ, hiện là Trưởng ban biên tập - Trị sự của Tạp chí Văn học) nói: "Sau cái chết của anh chị tôi, đã có rất nhiều luồng dư luận và chúng tôi luôn phải đối mặt. Lưu Quang Vũ lúc bấy giờ là người dám đả phá rất mạnh các tệ nạn xã hội, những thói xấu của quan chức qua các vở kịch. Gia đình tôi là một gia đình trí thức, có đủ trình độ nhận thức. Song dư luận lúc đó mạnh đến mức, đã có lúc chúng tôi bị làm cho lung lay, cho rằng đằng sau cái chết của anh chị tôi vẫn còn điều gì đó... khuất tất?!".

Mới đây nhất, trong một lần trả lời Dân trí, MC Lưu Minh Vũ nói rằng: "Tôi nhớ khi nhận được tin về vụ tai nạn khủng khiếp ấy, tôi không tin. Tôi cảm giác như mình bị rơi xuống một cái hố đen sâu hút, không bao giờ có thể bước lên được nữa. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn lặn lội một mình dưới cái hố đen ấy..."

"Mẹ vẫn ngỡ các con đi công tác xa...

Một năm sau ngày con trai, con dâu và cháu nội ra đi, nỗi buồn vẫn không thôi ám ảnh những người thân trong gia đình. Cụ Lưu Thị Khánh (thân mẫu Lưu Quang Vũ) viết: "Mí thương yêu của bà! - Vũ, Quỳnh thương yêu của mẹ! Các con và cháu vẫn sống mãi trong lòng mẹ. Mẹ và cả nhà luôn luôn nhớ đến hai con và cháu trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ.

Trong những đêm dài thao thức, đau khổ và thương nhớ các con, mẹ vẫn thầm gọi: Mí ơi, Vũ, Quỳnh ơi! Mẹ cứ ngỡ như các con đang đi một chuyến công tác xa, một ngày nào đó rồi sẽ trở về với mẹ, với các em, các cháu. Để rồi đêm đêm ngọn đèn bàn lại sáng lên trong gian phòng nhỏ hẹp của các con, cho những trang bản thảo mới lại ra đời..."

Phải nhiều năm sau, nỗi thương nhớ mới dần nguôi ngoai. Bạn bè, người thân của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dần lấy lại cân bằng. Báo chí thì nhắc đến cặp vợ chồng tài danh yểu mệnh này như một hoài niệm đau thương và tiếc nuối.

"Bộ tứ" chia ly

Những năm 1980, giới văn nghệ xuất hiện "bộ tứ": nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, hoạ sĩ Đỗ Doãn Châu và nhạc sĩ Phó Đức Phương. Những người bạn trong "bộ tứ" đã cộng tác với Lưu Quang Vũ rất ăn ý khi dựng các vở kịch ông viết.

Giờ đây, Lưu Quang Vũ không còn, Nguyễn Đình Nghi cũng ra đi vì tuổi cao, bạo bệnh, "bộ tứ" chỉ còn lại hai người là hoạ sĩ Doãn Châu và nhạc sĩ Phó Đức Phương. "Tứ tượng" giờ đây đã đôi nẻo xa vời.

"Chúng tôi cùng nhau ra Bắc vào Nam dựng vở khắp nơi", ông Châu kể, "Gia đình tôi và Vũ ngoài tình đồng nghiệp còn rất gắn bó trong cuộc sống ngày thường. Lũ trẻ chúng tôi như con chung, chúng nó mặc quần áo lẫn của nhau, đứa lớn chuyền tay cho đứa bé". Ngày xưa nhà ông Châu có chiếc máy khâu, bà Thu vợ ông thường khâu vá quần áo cho đám trẻ của cả hai nhà. Đến bây giờ, Lưu Minh Vũ vẫn gọi ông là bố như thời niên thiếu.

Ông Châu say sưa kể về những kỷ niệm khi hai người đi dựng vở chung. Nhiều nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ là do Doãn Châu cung cấp ý tưởng. Chẳng hạn, nhân vật trong vở kịch "Đôi dòng sữa mẹ" xuất phát từ một lần ông Châu ngồi trong phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất, đọc được mẩu tin trên tờ giấy báo nhầu nát gói bánh mỳ về một đứa trẻ lai.

Vở kịch ấy sau được ông Nguyễn Ngọc Phương (Nhà hát cải lương) dựng thành sườn kịch, ông Vũ chắp bút. Và cuối cùng, tên tác giả vở kịch được lấy là Nguyễn Đỗ Lưu (Nguyễn Ngọc Phương - Đỗ Doãn Châu - Lưu Quang Vũ).

Hoặc một lần ông Châu đi biểu diễn ở Thanh Hoá, gặp một tình huống: Một xã nọ tổ chức đấm bốc, thay vì mang võ sĩ ra thi đấu thì cho ông phó cối lên đấm, với lý do ông này khoẻ. Sau trọng tài phải dừng trận đấu, cảnh cáo xã vì tay phó cối không có tí nhà nghề nào. Hình mẫu ấy sau trở thành nhân vật võ sĩ Đại Dương trong vở "Bệnh sĩ".

Kỳ cuối: Những kỷ niệm cuối cùng - 1
  

 Nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Có điều
gì gần như định mệnh báo trước".

Nhạc sĩ Phó Đức Phương kể rằng, trải nghiệm qua thời gian, càng ngày ông càng thấy sự tài hoa của Lưu Quang Vũ trong những vở kịch. Ông Phương khẳng định: "Lưu Quang Vũ là một hiện tượng, một tài năng hiếm hoi. Ở Vũ kết tinh được nhiều yếu tố: thông minh, uyên bác và những rung cảm với cuộc sống. Hai người ra đi là một tổn thất rất lớn, cho tới tận bây giờ".

Ông Phương kể lại rằng, những năm cuối cùng của vợ chồng Quỳnh - Vũ, ông Phương thỉnh thoảng lui đến nhà chơi. "Nhưng tôi đã thấy những bóng mây đen u ám trên bầu trời tình cảm của hai người. Dường như có điều gì gần như định mệnh khắc nghiệt, báo trước những điềm không lành"- ông Phương nói.

Rất nhiều nước mắt!

Mặc dù luôn bận rộn với cả núi công việc, nhưng khi được đề nghị, NSND Phạm Thị Thành đã lập tức sắp xếp công việc để gặp chúng tôi, để bà "nói vài lời về Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ".

Trong số hơn 50 vở kịch của Lưu Quang Vũ thì bà Thành làm đạo diễn trên 20 vở. Trong lần đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt công chúng, "liên danh" Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành - Đào Duy Kỳ đã dựng vở "Ông Nhỏ" (sau là "Sống mãi tuổi 17" - PV). Vở kịch (Sau này đạt giải Nhất hội diễn sân khấu 1980) nói về cuộc đời Lý Tự Trọng, là biểu tượng của tuổi trẻ. Buổi ra mắt đầy ý nghĩa ấy trở thành tiền đề cho tên tuổi Nhà hát Tuổi trẻ bây giờ.

Kỳ cuối: Những kỷ niệm cuối cùng - 2
  

NSND Phạm Thị Thành đã đạo
diễn nhiều tác phẩm kịch của
Lưu Quang Vũ.

NSND Phạm Thị Thành nhớ lại: "Khi nhận được tin về vụ tai nạn, tôi không tin vào tai mình. Cách đấy mấy hôm, tôi còn gặp Vũ, chúng tôi đang làm dở một vở khác theo "đơn đặt hàng" của anh Chu Thơm ở Tổng cục Chính trị. Tôi lật đật lên nhà Doãn Châu, mới đến sân thì gặp anh Nguyễn Đình Nghi. Anh Nghi nói: "Vợ chồng Vũ đã đưa vào nhà xác rồi".

Tôi choáng váng và ngã ngất. Tỉnh dậy, mọi người đưa ra 51 Trần Hưng Đạo (Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam). Ở đó đã có rất đông anh chị em đứng chờ, rồi tất cả chúng tôi cùng đến Bệnh viện Việt Đức. Lúc đó, ông Đình Quang, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin đề nghị đưa sang nhà lạnh BV Việt Xô".

Đám ma đưa tiễn ba người đông kín đặc đường Bà Triệu, Phố Huế... chậm rãi đi trong niềm xót thương... Có cảm giác như cả Hà Nội rủ khăn tang.

***

Đi tìm lại tư liệu về những ngày cuối cùng của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, chúng tôi lại thêm một lần được được nghe những nhân chứng lịch sử nói về tài năng của họ. Loạt bài này như một nén nhang của kẻ hậu thế cúi đầu trước vợ chồng nhà nghệ sĩ tài danh yểu mệnh đất Hà thành.

Lê Bảo Trung