1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỳ bí "vương quốc" pơmu với những "cụ" cây gần... 2.000 năm tuổi

(Dân trí) - 725 cây pơmu cổ thụ ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) vừa được công nhận là Cây Di sản, đánh dấu sự kỳ vĩ của “vương quốc pơmu” có một không hai ở Việt Nam và trên thế giới. Để giữ nguyên vẹn “vương quốc pơmu” trước nạn phá rừng rầm rộ như hiện nay là một kỳ tích của người dân và chính quyền nơi đây.

Lạc vào vương quốc pơmu

Huyện miền núi biên giới Tây Giang những ngày đầu hè thường có những cơn mưa giông bất chợt. Mưa làm mát bầu không khí nhưng làm cho con đường đất vừa được khai mở đi vào vương quốc pơmu rất khó đi.

Khu rừng pơmu giữa đại ngàn Trường Sơn
Khu rừng pơmu giữa đại ngàn Trường Sơn

Từ ngoài mé rừng, ngay tại trạm bảo vệ rừng Bắc Sông Bung muốn đi vào vùng lõi "vương quốc" pơmu chỉ có thể đi bằng ô tô 2 cầu. Tuy đoạn đường chỉ chưa đến 6km nhưng ô tô phải “bò” gần 1 giờ đồng hồ vì đường quá trơn trượt do mưa.

Trước đây, để vào rừng pơmu này, cán bộ huyện Tây Giang và các nhà khoa học phải mất cả ngày đường đi bộ với bao hiểm nguy. Đường đi như hôm nay đã là "thuận lợi" lắm rồi!

Con đường vừa mở đi vào vùng lõi pơmu
Con đường vừa mở đi vào vùng lõi pơmu

Tại vùng lõi của "vương quốc" pơmu đã có gần 10 nhà gươl truyền thống của đồng bào Cơtu được dựng lên để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và du khách. Đứng ở nhà gươl trong vùng lõi này, hướng tầm mắt quanh 4 phía rừng xa thẳm xung quanh, những thân cây pơmu cao vút, thẳng đứng và vững chắc tỏa bóng mát cùng hơi lạnh khiến ai cũng có cảm giác tuyệt vời.

Bí thư huyện Tây Giang - ông Bh’riu Liếc - được xem là người có công rất lớn trong việc phát hiện và bảo tồn “vương quốc” pơmu này.

Từ vùng lõi, theo chân ông Bh’riu Liếc, chúng tôi đi được vài chục phút thì đến cây pơmu có tên gọi là Ngũ Hổ, đây là cây pơmu lớn thứ 3 tại khu rừng này. Cây pơmu cổ thụ này có đường kính gần 3,5m, cao gần 30m.

Pơmu thẳng tắp, cao vút lên trời xanh
Pơmu thẳng tắp, cao vút lên trời xanh

Đi thêm vài trăm mét nữa thì gặp cây pơmu với tên gọi là Rồng còn kỳ bí hơn. Rễ của cây pơmu này còn lớn hơn những thân cây khác đứng bên cạnh. Tuy nhiên, ông Bh’riu Liếc cho biết, kỷ lục ở khu rừng pơmu cổ thụ này là cây Voi. Gọi tên Voi vì hình thế ở phía dưới chân cây giống con voi với đường kính gần 4m, phải gần 10 người ôm.

Ông Bh’riu Liếc cho hay, cây pơmu này được một vị giáo sư người Mỹ qua nghiên cứu, tuy đã mang khoan cỡ lớn để đo tuổi cây nhưng khi khoan vào thì chưa thấu bên kia. Sau khi về, vài tháng sau ông mang khoan khủng hơn mới khoan hết phần thân cây phía dưới. Theo tính toán thì cây pơmu Voi này đã sống được 1.823 năm.

Giữ pơmu cho con cháu đời sau

Bí thư huyện Tây Giang kể lại, để tìm ra khu rừng pơmu là một kỳ công. Sau khi phát hiện ra, việc kiểm đếm, bảo vệ cũng tốn công sức và thời gian rất nhiều. Để có thể đếm được số lượng 725 cây pơmu cổ thụ làm hồ sơ gởi đi thì cán bộ của huyện cùng các nhà khoa học đã tốn mấy năm trời. Đó là chưa kể những cây pơmu nhỏ, tái sinh không đưa vào hồ sơ cũng phải lên đến hàng ngàn cây.

Người dân thích thú chụp hình với cây pơmu khủng
Người dân thích thú chụp hình với cây pơmu khủng

Để có con đường đến vùng lõi vương quốc pơmu hôm nay, huyện đã huy động nhiều nhân lực, vật lực làm trong nhiều năm. Còn nghiên cứu mở con đường mòn đi khám phá rừng cây này thì càng vất vã hơn nhiều. Nhiều lần đoàn công tác của huyện dày công đi kiểm đếm, đánh số từng cây, xác định ở từng vị trí và mở đường mòn nhiều lần để đi đến thống nhất có con đường dễ đi như hôm nay.

Đoàn công tác của huyện đi trước, cột dây để làm dấu, còn bà con đi sau phát quang. Khi thấy đường đi còn khó, còn gập ghềnh thì lần sau phải khám phá đường khác, làm dấu và tạo ra một con đường ngắn nhất nhưng dễ đi nhất để sau này mở “tour khám phá rừng pơmu cổ thụ” như ý định của lãnh đạo Tây Giang.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ vườn pơmu đã thực hiện nghiêm ngặt. Tại các thôn bản, có từng tổ đội tham gia bảo vệ rừng nói chung, đặc biệt là bảo vệ cây pơmu cổ thụ nói riêng nên khẳng định nhiều năm qua chưa một cây pơmu nào bị lâm tặc đốn hạ.

Pơmu voi gần 10 người ôm mới xuể
Pơmu voi gần 10 người ôm mới xuể

Tìm ra rừng đã khó, việc giữ gìn rừng càng khó hơn. Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang – cho hay, với đồng bào Cơtu, họ xem pơmu như người thân trong gia đình, là một loài gỗ quý linh thiêng nên từ xưa nay đồng tâm hiệp lực giữ gìn.

Trò chuyện với già làng Clâu Blao (ở thôn Vòng, xã Tr’hy) thì được già cho biết, cây pơmu theo tiếng Cơtu là Hynghee. Đây được xem là cây thiêng nên từ xưa, đồng bào chỉ dùng để làm quan tài khi có người tạ thế. Còn làm nhà, bàn ghế, hay những vật dụng trong gia đình thì họ không bao giờ đụng đến. Đây là một loài cây quý và có tính chất linh thiêng nên đồng bào ai cũng muốn gìn giữ cây này như báu vật của làng.

“Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”. Đó là câu khẩu hiệu đã được huyện Tây Giang đặt khắp nơi trên địa bàn. Chủ tịch huyện Tây Giang cho hay, quần thể pơmu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn.

Ông Bh’riu Liếc bên cạnh một cây pơmu khủng
Ông Bh’riu Liếc bên cạnh một cây pơmu khủng

Theo ông Bhling Mia, quần thể cây Pơmu gắn liền với văn hóa và đời sống của người Cơtu. Theo truyền thống của người Cơtu, những cây to trong rừng hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây. Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước. Quần thể pơmu cũng là nhân chứng lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của các dân tộc huyện Tây Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chủ tịch huyện Tây Giang cũng chia sẻ: “Ước mong của chúng tôi về lâu dài là Nhà nước cần thành lập khu vực rừng pơmu là khu bảo tồn thiên nhiên thì công tác bảo tồn có giá trị bền vững hơn. Đó là việc lâu dài, còn trước mắt khi 725 cây pơmu được công nhận là Cây Di sản như đã ghi nhận công lao bấy lâu, bao thế hệ nơi đây nên bà con luôn quyết giữ khu rừng quý hiếm này”.

Ông Bhling Mia cũng mong muốn các tổ chức và cá nhân cùng chung tay với địa phương bảo vệ, bảo tồn khu rừng quý giá này để cho các thế hệ sau được khám phá vương quốc pơmu này.

Công Bính