1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỳ án hiếp dâm: Thách đố đưa 200 thanh niên đến thử... “huyệt trai trinh”

“Về huyệt “dương minh” nếu muốn kiểm chứng đúng hay sai thì họ có thể đưa 100 thanh niên chưa quan hệ tình dục và 100 thanh niên đã quan hệ tình dục, tôi có thể phân biệt được. Nếu sai tôi xin đưa tính mạng của mình đảm bảo”, bà Hồng nói.

Gần 2 năm và phải trải qua rất nhiều lần hoãn toà vì nhiều lý do khác nhau, ngày 7/12, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ra bản án Giám đốc thẩm bác kháng nghị của Viện KSND Tối cao đề nghị tuyên vô tội với 3 thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên trong vụ án hiếp dâm ở Yên Nghĩa, Hà Đông- Hà Tây (cũ) xảy ra từ năm 2000.

 

Như vậy, ba chàng thanh niên trong kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông từng gây xôn xao dư luận hơn 10 năm nay đã hết cơ hội kháng cáo về mặt tố tụng hình sự. Bản án của Hội đồng thẩm phán TAND TC sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Tuy nhiên, đến thời điểm sáng ngày 14/12/2011, cả 3 thanh niên vẫn chưa hề nhận được một thông tin gì từ các cơ quan thực thi pháp luật.

 


Kỳ án hiếp dâm: Thách đố đưa 200 thanh niên đến thử... “huyệt trai trinh”  - 1

Lương y Phạm Thị Hồng và 3 thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên

 

Mới chỉ nghe qua mạng

 

Từ nhiều ngày qua, thông tin bác kháng nghị của Viện KSND TC của phiên Giám đốc thẩm đã làm cho không khí gia đình ba chú cháu họ Nguyễn Đình xã Yên Nghĩa đi từ sốc, đến buồn chán và thất vọng.

 

Sáng ngày 14/12 chúng tôi đến quán sửa xe của Lợi, Kiên ở xã Yên Nghĩa. Quán đóng cửa. Bà Hưng, mẹ của Lợi buồn bã: “Sau khi nghe tin, hai đứa chẳng buồn làm nữa”. Cái quán sửa xe này được mở sau ngày Kiên và Lợi được trả tự do (3/2/2010), nhờ sự giúp đỡ của người thân, nhằm để hai chàng trai này kiếm kế sinh nhai trong lúc chờ phán quyết cuối cùng.

 

Lợi buồn bã nói: “Chúng em chờ phiên Giám đốc thẩm. Trong thâm tâm, em mong chúng em sẽ chính thức được trả lại tự do, không ai nghĩ đến trường hợp kháng nghị của Viện kiểm sát bị bác. Nhận được thông tin này em thật sự sốc nặng”.

 

Tuy biết Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã họp và ra bản án giám đốc thẩm, tuyên bác Kháng nghị của Viện KSND Tối cao từ chiều 7/12, nhưng đến sáng 14/12, cả 3 thanh niên trên vẫn chưa hề nhận được một thông tin gì từ phía cơ quan thực thi pháp luật. Hiện tại, họ vẫn sống ở gia đình mình. Những ngày qua, từng giờ, từng phút đến với họ thực sự hồi hộp, căng thẳng và nặng nề.

 

“Lên mạng cứ thấy báo chí đưa tin liên tục. Bạn đọc khắp nơi điện thoại đến hỏi han tình hình. Em cũng chẳng biết trả lời thế nào. Người ta nói nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như thế thì chắc chắn là đúng rồi”.

 

Kiên cho biết: “Em không thể tin nổi sau khi nghe thông tin bác kháng nghị.  Mấy đêm trước chẳng ngủ được. Lại vào trại ư? Nhưng bây giờ thì trong lòng thoải mái hơn chút rồi. Mặc cho điều gì đến thì cứ đến”.

 

Còn Lợi ngồi nhẩm tính: “Người ta sẽ trừ quãng thời gian chúng em được tại ngoại, như vậy em còn xấp xỉ 6 năm nữa. Thế là hết thời trai trẻ rồi. Trong những năm qua, gia đình chúng em đã chạy nhiều nơi để kêu oan. Đến giờ vẫn chưa có kết quả. Thú thực với các anh, em bây giờ không biết phải làm gì để kêu oan nữa. Sau ngày em vào tù rồi, các anh chị nhà báo giúp chúng em là đừng thờ ơ với chúng em, nếu biết có cách gì đó kêu oan”.

 

Kỳ án hiếp dâm: Thách đố đưa 200 thanh niên đến thử... “huyệt trai trinh”  - 2

Lá đơn của lương y Phạm Thị Hồng gửi lên Quốc hội.

 

Anh Tình có ngày về không?

 

Sau khi nhận được thông tin, Nguyễn Đình Tình là người buồn nhất vì anh mới lấy vợ. Hai vợ chồng cũng đã có ý định vào Bệnh viện Từ Dũ để sinh con.

 

Lợi nói rằng mấy ngày nay, Tình buồn thiu, không nói không rằng, chỉ nằm dài trong nhà không nói chuyện với ai. Lợi bảo: “Chúng em đi, còn hẹn ngày về. Chứ với bệnh tình của Tình (Tình bị nhiễm HIV), nếu phải vào trại làm sao còn ngày về? Khó lắm các anh ạ. Em cũng có đọc được một số thông tin trên báo nói rằng Tình không phải quay lại tù vì bệnh nan y. Mong cho điều đó là đúng, thì đời chú ấy đỡ khổ đau hơn một chút”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Ngọc, bố của Lợi không khỏi bức xúc: “"Toà xử thế nào, chúng tôi phải chấp hành thế ấy. Nhưng bản thân tôi không phục những người cầm cân nảy mực. Án một nơi, xử một nẻo. Quá nhiều tình tiết trong bản án bị bỏ qua gây khó hiểu cho người dân. Kể cả người chậm hiểu nhất đọc qua bản án cũng thấy nhiều bất hợp lý. Chẳng hiểu cơ quan điều tra cất giữ tang chứng vật chứng “cẩn thận” đến mức nào mà mới chỉ một năm đã nói rằng chiếc áo mà họ cho rằng của con trai tôi mặc hôm gây án đã bị mục nên không đưa ra trước toà. Cơ quan điều tra đã bỏ qua những tình tiết quan trọng như việc nhân chứng cho biết tại thời điểm xảy ra vụ việc (ngày 24/10/2000) cả ba đều đang dự sinh nhật, bản thân bị hại cũng mô tả hung thủ khác với hình dáng của cả 3 đứa... Nếu thoả đáng được những tình tiết trên thì chúng tôi mới phục. Bản thân tôi không thể dung tha cho con cái những trò vô đạo đức như thế này. Nếu mấy đứa có tội, dẫu có chết, tôi cũng không một lời kêu oan”.

 

Ông Ngọc cũng cho biết rằng sỡ dĩ trong gần 10 năm thụ án, Lợi, Kiên, Tình không được xét giảm án bởi vì họ chưa bao giờ nhận tội. “Con chúng tôi không xin tha. Không xin giảm án ngày nào. Chúng tôi chỉ xin được thấy sự thật. Một số luật sư tư vấn cho chúng tôi, mặc dù TAND Tối cao đã ra phán quyết, là đã hết cơ hội về tố tụng, nhưng chúng tôi vẫn còn có thể cậy nhờ đến Quốc hội xem xét. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đơn lên Quốc hội”, ông Ngọc quả quyết.

 

Lương y dọa “tự thiêu”

 

Sau khi nhận được thông tin 3 thanh niên ở Yên Nghĩa phải quay lại tù, lương y Phạm Thị Hồng đã tỏ rõ sự thất vọng và cho biết sẽ... tự thiêu nếu không minh oan được cho 3 thanh niên này.

 

Bà Hồng, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, không có quan hệ họ hàng thân thích đối với 3 thanh niên nói trên. Nhưng do “nhân duyên” trong một lần chữa bệnh cho Nguyễn Đình Lợi, bà Hồng phát hiện Lợi vẫn còn huyệt “dương minh”, tức là chưa hề quan hệ tình dục, nên không thể kết tội hiếp dâm. Rồi lần lượt bà tiếp xúc với Kiên, Tình bà cũng phát hiện ra huyệt này. Bà Hồng đã ròng rã nhiều năm trời lục lại hồ sơ vụ án và nhận thấy có nhiều tình tiết vô lý. Nhiều năm bà mang đơn gõ cửa khắp các cơ quan kêu oan cho ba chàng trai trên. Lần này, bà Hồng quyết định viết đơn gửi lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội để phản đối quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án NDTC, mong được làm rõ chân tướng vụ án này.

 

Chiều 13/12/2011, dù tình trạng sức khoẻ không được tốt, bà Hồng vẫn cho chúng tôi biết, sau khi nghe tin bác kháng nghị của Viện KSNDTC, bà đã ngất xỉu ngay tại chỗ. Bà khẳng định: “Nếu 3 chàng trai đó không được minh oan, thì tôi cũng sẽ tự thiêu”.

 

Lương y Phạm Thị Hồng cũng nói rằng, bà không thể đưa cái lý huyệt “dương minh” của mình ra để minh oan và không thể bắt mọi người nghe theo. “Huyệt “dương minh” là cái duyên cớ ban đầu giúp tôi tìm lại hồ sơ vụ án và thấy quá nhiều điểm phi lý. Tôi đấu tranh cho một bản án thiếu minh bạch. Còn riêng về huyệt “dương minh” nếu muốn kiểm chứng đúng hay sai thì họ có thể đưa 100 thanh niên chưa quan hệ tình dục và 100 thanh niên đã quan hệ tình dục, tôi có thể phân biệt được. Nếu sai tôi xin đưa tính mạng của mình đảm bảo”, bà Hồng nói.

 

Những dấu hỏi sau vụ án

 

Nhiều người cho rằng ở vụ việc này, có rất nhiều tình tiết cần được làm sáng tỏ. Ví dụ tinh trùng thu được trong âm đạo bị hại sau vụ hiếp dâm không khẳng định đó là của Kiên, Lợi, Tình, vậy thì là của đối tượng nào? Chiếc áo phông dùng để nhận dạng không đúng với đặc điểm mà bị hại khai, vậy tại sao lại quy kết đó là của Lợi và coi đó là vật chứng vụ án? Và nếu coi là vật chứng thì tại sao trong phiên toà lại không trưng dụng chiếc áo đó?

 

Tại sao lời khai của các nhân chứng để chứng minh sự ngoại phạm của Kiên, Lợi, Tình không được đưa vào hồ sơ vụ án? Tại sao vụ án xảy ra ở Dương Nội, nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường xác định ở Yên Nghĩa? Tại sao biên bản khám nghiệm hiện trường lại không có bị hại, không có nhân chứng? Tại sao không cho bị hại nhận dạng trực tiếp cả 3 bị án, mà chỉ cho nhận dạng một mình ảnh của Lợi, việc nhận dạng đã khách quan?

 

Theo Gia đình & Xã hội