Kỳ 1: "Uống chén rượu bị xử phạt 7 triệu, sau tôi không dám nữa"
(Dân trí) - Anh L. ở Hà Nội nói như vậy khi được cảnh sát thông báo về mức vi phạm nồng độ cồn của mình, anh sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
Xử lý tài xế "ma men", không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Những ngày gần đây được xuyên đêm cùng tổ công tác 141 Công an Hà Nội xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn mới thấy rõ sự cương quyết của các anh khi thực thi nhiệm vụ.
Đơn cử như tối 28/9, tổ công tác Y9/141, làm nhiệm vụ xử lý vi phạm trên đường Hoàng Cầu hướng ngã tư Thái Hà - Yên Lãng, trong đó có việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Thời gian làm việc của tổ công tác từ 20h30 ngày 28/9 đến 0h30 ngày 29/9.
"Dính" nồng độ cồn kịch khung, tài xế nói "sẽ không dám tái phạm"
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lúc 21h43, tổ công tác phát hiện xe máy mang BKS 29E1-853.xx, do một nam thanh niên điều khiển có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Tại chốt làm việc, danh tính lái xe máy được xác định là N.H.L. (SN 2000, ở Hà Nội). Qua kiểm tra nồng độ cồn, cảnh sát phát hiện anh L. vi phạm ở mức 0,733mg/ lít khí thở.
Trao đổi với phóng viên, anh L. cho biết, bản thân vừa đi dự liên hoan nhà bạn về. Nam thanh niên cho rằng bản thân biết việc uống rượu bia rồi điều khiển xe máy tham gia lưu thông trên đường là sai, nhưng "trót dại" nên đã vi phạm luật an toàn giao thông.
Với vi phạm kể trên, anh L. sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
"Đây là mức phạt rất cao đối với tôi. Sau lần này, chắc chắn về sau tôi sẽ không bao giờ dám uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nữa", nam thanh niên nói.
Tiếp đó, lúc 23h05, tổ công tác tiếp tục phát hiện, dừng xe máy mang BKS 29V3-20xx, do một người đàn ông điều khiển.
Qua kiểm tra, danh tính lái xe máy được xác định là N.V.C. (SN 1972, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, cảnh sát phát hiện anh C. vi phạm ở mức 0,468mg/lít khí thở.
Với vi phạm kể trên, anh C. cũng sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
Khi được hỏi lý do tại sao đã uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển xe máy, anh C. lý sự rằng "đầy quan chức, cảnh sát cũng vi phạm kia", nhưng lý lẽ này của anh C. sau đó đã bị tổ công tác nhắc nhở, bởi ai vi phạm cũng đều sẽ bị xử lý bình đẳng như nhau.
Khi được tổ công tác thông báo mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, anh C. cho biết "nếu phạt 7 triệu thì tôi sẽ bỏ xe". Tuy nhiên tổ công tác sau đó vẫn lập biên bản vi phạm hành chính đối với anh C. và giải thích cho anh này hiểu rõ về quy định của pháp luật. Sau khi nghe cán bộ tổ công tác giải thích, anh C. nói rằng đây là một mức xử phạt rất nặng và về sau anh này sẽ không dám tái phạm như vậy nữa.
Xử lý nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Cục CSGT - C08, Bộ Công an cho biết, nhằm tạo chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", lực lượng CSGT toàn quốc đã ra quân quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Bộ Công an đã thành lập 6 tổ công tác trực tiếp kiểm tra việc thực hiện kiểm soát, phát hiện vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương trên cả nước.
Cụ thể, từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, các tổ công tác đặc biệt của C08 đã triển khai việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông ở nhiều địa phương như TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM...
Qua đó đã trực tiếp kiểm soát hơn 100.000 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý hơn 3.600 trường hợp. Trong đó có hơn 3.400 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 35 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 14 trường hợp vi phạm về ma túy, 5 trường hợp vi phạm quá tải.
Theo Cục CSGT, trong số hơn 3.400 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn ở các địa phương, bước đầu xác định có 160 trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo...
"Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Ban bí thư trong việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông nói chung, và xử lý vi phạm về nồng độ cồn, hiện nay lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm, sẽ xác định các trường hợp đó có phải đảng viên, quan chức, cảnh sát hay không?... Và khi phát hiện bất kỳ đó là ai, tinh thần xử lý sẽ là không có vùng cấm, không có ngoại lệ", vị đại diện Cục CSGT nói.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ sẽ củng cố niềm tin của người dân đối với pháp luật
Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, cho rằng, đợt ra quân lần này của lực lượng CSGT cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Điều đáng chú ý ở lần này đó là, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý đối với mọi đối tượng trên tinh thần "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".
"Ý kiến chỉ đạo của Bộ công an là rất kịp thời, cần thiết, là cơ sở để lực lượng chức năng không e dè, nể nang đối với các trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, những người có chức vụ cao ở địa phương hoặc ở trung ương", ông Cường nói.
Theo ông Cường, việc xử lý như vậy thể hiện nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc pháp chế trong việc áp dụng pháp luật mà Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật đã quy định.
"Đây là nguyên tắc chung trong pháp luật Việt Nam, thể hiện mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý không phân biệt người vi phạm là ai, chức vụ gì, địa vị xã hội ra sao, thành phần dân tộc, tôn giáo, giới tính như thế nào. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong hệ thống pháp luật Việt Nam để đảm bảo quyền tự do, bình đẳng, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật", ông Cường nói thêm.
Theo luật sư, những chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, đã tháo gỡ được những rào cản về tâm lý cho người thi hành công vụ, thúc đẩy cơ quan chức năng hoạt động một cách độc lập, xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm và nguyên tắc xử lý là "chỉ tuân theo pháp luật", trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ngoài ra, việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, sẽ tạo ra những tiền lệ tốt trong việc áp dụng pháp luật trong các lĩnh vực khác. Việc xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ sẽ củng cố niềm tin của người dân đối với pháp luật, cho thấy sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật.