Kinh hoàng cả xã cùng "xây dựng phong trào"...hun khói
(Dân trí) - Nhà nhà, người người cùng thu gom phế liệu và sản xuất tăm hương nhưng không có bãi xử lý rác nên việc duy nhất người dân xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) có thể làm là “xây dựng phong trào”...đốt rác khiến khói mịt mù thôn xóm, người dân “chết ngạt”.
Khói độc bủa vây làng xã
Đi khắp xã Quảng Phú Cầu đâu đâu cũng thấy cảnh đốt rác
Mỗi ngày người dân Quảng Phú Cầu đốt hàng trăm tấn rác
Men theo con đường liên xã đi qua 5 thôn làm nghề chẻ tăm hương, đâu đâu cũng thấy mùn tre, nứa… được thải ra từ các cơ sở sản xuất. “Không quan tâm đến việc khói bụi bay vào nhà trẻ, trạm xá, hay thôn xóm thế nào miễn là đống rác đầy sẽ bị người dân đốt ngay”, bà Hạnh một người dân ở Quảng Phú Cầu bức xúc nói.
“Hơn 100 xưởng sản xuất, mỗi ngày thải ra khoảng 200 tấn mùn tre, nứa nhưng bãi chứa rác không có, điểm tập kết thu gom rác đem đi xử lý cũng không nếu chúng tôi không đốt thì rác sẽ ngập làng, ngập xã”, chị Hiền, người làm tăm hương cho biết.
Chính quyền “bó tay”
Ni lông, lông gà vịt... được tập kết chuẩn bị sẵn sàng châm lửa hun khói người dân xã Hồng Dương
Ông Hùng cho hay, do không chịu được mùi khói độc, người dân ở đây đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền xã Hồng Dương và chính quyền cấp trên. Ngoài ra, nhân dân cũng tìm mọi cách để ngăn chặn việc đốt chật thải trên, tuy nhiên đến nay dân thôn Xà Cầu vẫn cố tình đốt chất thải nhất là về buổi đêm khói bao trùm khắp khu dân cư gây mùi khó chịu và làm người dân mất ngủ.
“Lãnh đạo xã Hồng Dương đã nhiều lần sang làm việc với xã Quảng Phú Cầu nhưng việc đốt rác thải trên không chấm dứt mà ngày càng đốt nhiều hơn”, ông Hùng cho biết và tiếp tục đề nghị xã Quảng Phú Cầu có biện pháp ngăn chặn, chấm dứt việc đốt rác thải, phế thải.
Bất kể trong đầu làng, cuối xóm hay cạnh trường học... cứ chỗ nào xả được rác là người dân châm lửa đốt
“Thỉnh thoảng có công ty môi trường về gom rác ở những điểm gần trục đường giao thông lớn còn lại bao nhiêu người dân châm lửa đốt”, ông Nhực cho biết. Tình trạng ô nhiễm là vậy, tuy nhiên theo ông Nhực, các kế hoạch giải quyết môi trường ở địa phương vẫn chỉ là kế hoạch và chưa biết bao giờ giải quyết được việc này.
“Chính quyền cấp địa phương chúng tôi chỉ biết khuyên người dân có ý thức hơn trong việc xử lý rác thải. Còn biện pháp giải quyết triệt để phải chính quyền cấp trên mới làm được”, ông Nhực mong mỏi.
Quang Phong