1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiến nghị kiểm điểm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam

(Dân trí) - Kết thúc thanh tra tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và các thành viên HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thời kỳ 2011-2013 liên quan trực tiếp đến những khuyết điểm, vi phạm xảy ra tại đây.

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (Ảnh minh họa)
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (Ảnh minh họa)

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) tiến hành kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân theo thẩm quyền; đề xuất và áp dụng ngay các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những yếu kém, khuyết điểm vi phạm.

Đối với khoản tiền 48,1 tỷ đồng Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã trích và chi quỹ lương, quỹ khen thưởng và phúc lợi xã hội trong 3 năm 2011-2013 cho người lao động sai quy định, lẽ ra phải xử lý về kinh tế theo quy định tại Điều 9 Thông tư 18/2013 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị không thu hồi, không trừ vào quỹ lương, quỹ khen thưởng và phúc lợi xã hội các năm liền kề nhưng phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và không được tái phạm.

Giải thích về việc này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, ngoài lý do tác động trực tiếp đến đời sống, tư tưởng của người lao động thì không có tính khả thi vì số lượng lao động hàng năm biến động thường xuyên; việc xây dựng, áp dụng quy định để tính đơn giá tiền lương của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam như đối với doanh nghiệp nhà nước có những khó khăn, vướng mắc khi phải xác định lao động định biên trên cơ sở nhiệm vụ, khối lượng công việc của từng bộ phận theo vị trí công việc.

Tuy vậy, cơ quan thanh tra đã kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham mưu, thẩm định, kiểm tra đề xuất giao đơn giá tiền lương, quỹ lương cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam năm 2011-2012.

Đối với một số khoản chi sai nhưng việc thu hồi là không khả thi, chi vượt kế hoạch tài chính và không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải xem xét xét trách nhiệm cá nhân trực tiếp tham mưu, phê duyệt, thực hiện, kiểm soát theo đúng quy định.

Cụ thể đó là các khoản: Chi mua vali, cặp công vụ sai quy định trên 3,2 tỷ đồng; chi lễ tân, giao dịch đối ngoại, khánh tiết, hội nghị tuyên truyền quảng cáo vượt tỷ lệ quy định 10,9 tỷ đồng; chi quà tặng hội nghị, hội thảo 703 triệu đồng; chi tiếp khách chứng từ sơ sài, không lập bảng kê, tài liệu xác định lý do tiếp khác, số lượng khách là 22,6 tỷ đồng; giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu được phê duyệt 1,6 tỷ đồng và tạm ứng nhưng nhà thầu không dùng số tiền tạm ứng vào thi công công trình, đã bị chiếm dụng vốn 14,5 tỷ đồng đối với dự án Trụ sở Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam Nam Trung Bộ và Tây Nguyên....

Ngoài ra, đối với khoản tiền trên 2,7 tỷ đồng đã chi cho người lao động (chi may trang phục ngành cho cán bộ năm 2011, chi mua điện thoại và tiền cước phí di động, thanh toán công tác phí) lẽ ra cũng phải thu hồi. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng nếu thu hồi sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tư tưởng của người lao động và việc này cũng không thể thực hiện triệt để do người lao động hàng năm biến động. Chính vì thế cơ quan thanh tra yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm và không được tái phạm.

Thế Kha