1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kiến nghị bỏ test nhanh, hạn chế chuyến bay combo về Hà Nội và TPHCM

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ghi nhận nhiều kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét dỡ bỏ quy định test nhanh Covid-19, giảm ùn ứ tại các sân bay và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đã nối lại đường bay với 7 quốc gia, vùng lãnh thổ

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tuần đầu tiên khôi phục lại chuyến bay quốc tế thường lệ, có tổng cộng 64 chuyến bay chở khách đến Việt Nam, chở 7.847 khách nhập cảnh Việt Nam. Trong đó có 18 chuyến bay thương mại, 25 chuyến bay combo và 21 chuyến chở chuyên gia, khách du lịch.

Hiện tại đã có 7/9 quốc gia và vùng lãnh thổ cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về Kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Kiến nghị bỏ test nhanh, hạn chế chuyến bay combo về Hà Nội và TPHCM - 1

Cục Hàng không kiến nghị hạn chế bay combo về Nội Bài, Tân Sơn Nhất (Ảnh: VNA).

Riêng đối với đường bay tới Hàn Quốc, dù cơ bản thống nhất với đề nghị của Việt Nam về việc khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, nhưng nhà chức trách hàng không Hàn Quốc cho biết do quy định phòng chống dịch, nước này đang hạn chế chuyến bay chở khách đến.

Tần suất chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam chiều Việt Nam - Hàn Quốc bị hạn chế, chỉ được cấp 2 chuyến/tuần trong khi hãng hàng không Hàn Quốc được phép khai thác 21 chuyến/tuần. Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các hãng hàng không trao đổi với phía Hàn Quốc để thống nhất phương án phù hợp đối với các hãng hàng không hai bên.

Hạn chế chuyến bay combo

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ GTVT về giải pháp giảm ùn tắc tại hai Cảng Hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Nội Bài - Hà Nội và Tân Sơn Nhất - TPHCM.

Theo đó, từ ngày 4/1-7/1/2022, có tổng cộng 47 chuyến bay quốc tế hạ cánh Việt Nam, vận chuyển 6.094 khách, gồm: 16 chuyến thương mại thường lệ, 20 chuyến combo, 11 chuyến chuyên gia/du lịch.

Trong số các chuyến bay nêu trên, có 15 chuyến bay hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (trong đó có  3 chuyến com bo) với tổng số 1.285 khách (640 khách trên chuyến bay combo, chiếm 49,8%); 23 chuyến hạ cánh tại Cảng hàng  không quốc tế Nội Bài  (trong đó có 08 chuyến com bo) với tổng số: 2.950 khách (1.754 khách trên chuyến bay combo chiếm 59,5%).

Kiến nghị bỏ test nhanh, hạn chế chuyến bay combo về Hà Nội và TPHCM - 2

Quy định về test nhanh Covid-19 với khách đi chuyến bay quốc tế có nhiều bất cập (Ảnh: NIA).

Những ngày qua để đảm bảo hạn chế tối đa việc ùn tắc tại khu vực xét nghiệm nhanh tại các Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong việc giãn cách thời gian hạ cánh các chuyến bay, nhưng do các hãng hàng không gặp khó khăn về việc đổi thời gian xuất phát từ nước ngoài nên việc điều chỉnh chưa thể thực hiện triệt để.

Trên thực tế, các chuyến thương mại, chuyên gia là các chuyến sử dụng slot lịch sử tại các cảng hàng không nước ngoài và Việt Nam nên lịch bay rất khó để điều chỉnh, trong khi các chuyến combo là chuyến không thường lệ nên có thể linh hoạt hơn trong khai thác, đặc biệt là điểm hạ cánh tại Việt Nam.

Cục Hàng không cho biết, trong thời gian qua, phần lớn các chuyến bay combo đều được Tổ công tác 5 Bộ phê duyệt cho thực hiện và hạ cánh tại các Cảng HKQT Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác tại hai Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Nhằm giảm tình trạng ùn tắc tại các Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất khi làm thủ tục xét nghiệm nhanh đối với hành khách nhập cảnh, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Ngoại giao với vai trò đầu mối trong việc xem xét, phê duyệt các chuyến bay combo sẽ hạn chế tối đa các chuyến bay combo chở công dân về nước hạ cánh tại hai Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất cho tới khi có điều chỉnh quy định về xét nghiệm nhanh đối với hành khách nhập cảnh.

Dỡ bỏ quy định test nhanh trước và sau chuyến bay

Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ về việc khôi phục đường bay quốc tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ GTVT nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các hãng hàng không trong nước và nước ngoài kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét dỡ bỏ quy định về việc xét nghiệm nhanh Covid-19 trước và sau khi lên tàu bay.

Kiến nghị bỏ test nhanh, hạn chế chuyến bay combo về Hà Nội và TPHCM - 3

Hiện Việt Nam đã nối lại đường bay với 7 quốc gia và vùng lãnh thổ (Ảnh: P. Công).

Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin phản ánh của các hãng hàng không rằng, hành khách đã có kết quả xét nghiệm RT- PCR đang còn hiệu lực. Một số sân bay nước ngoài không bố trí cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay và chi phí phát sinh cho hành khách từ việc xét nghiệm nhanh ở một số sân bay rất cao. Tại Nhật Bản, chi phí này lên tới 270 USD/lần xét nghiệm.

Ngoài ra, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm nhanh Covid-19 như quy định về thời gian thực hiện xét nghiệm trước khi lên tàu bay, thẩm quyền tổ chức xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, hình thức thanh toán chi phí... dẫn đến khó khăn cho các hãng hàng không khi triển khai thực hiện cũng như thực hiện thu phí xét nghiệm do đây không phải là chức năng của các hãng hàng không.

Cùng đó, việc thực hiện xét nghiệm nhanh đối với hành khách sau khi hạ cánh tại các cảng hàng không khi tần suất các chuyến bay quốc tế thường lệ tăng cao có thể dẫn đến ùn ứ tại các cảng hàng không và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.

Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét cho phép áp dụng thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trước chuyến bay theo thông lệ quốc tế như các quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác đang áp dụng trong thời gian qua (không phải thực hiện xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống tàu bay).

Trong trường hợp vẫn cần duy trì quy định xét nghiệm nhanh, Bộ GTVT đề nghị chỉ xét nghiệm nhanh một lần đối với hành khách và phi hành đoàn sau khi hạ cánh và giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách thức, thời gian, cơ quan thực hiện, cơ chế công nhận kết quả xét nghiệm nhanh cũng như thủ tục thanh toán chi phí đối với hành khách nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế.

Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an ban hành và phổ biến ngay hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài, trong đó xem xét trường hợp người mang quốc tịch nước ngoài là thân nhân của người Việt Nam nhập cảnh dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng website bằng tiếng Anh và tiếng Việt để người nước ngoài, các hãng hàng không nước ngoài, tổ chức nước ngoài có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin về các quy định y tế, thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh của Việt Nam do đây là những vấn đề nổi cộm hành khách quan tâm nhất.