1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kiểm toán Nhà nước “xin” giảm hàng trăm biên chế được phân bổ

(Dân trí) - Được dự kiến giao 3.500 biên chế đến năm 2020 nhưng Kiểm toán Nhà nước đề nghị UB Thường vụ Quốc hội giãn lộ trình triển khai, phân đều số biên chế đến năm 2025 và cũng chỉ “xin” 3.054 người, giảm 446 người so với số được phân bổ… Việc này khiến nhiều uỷ viên UB Thường vụ ngạc nhiên.

Chiều 21/12, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về hai đề án về tổ chức, biên chế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và vị trí việc làm của Kiểm toán Nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình này, theo chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước gồm 40 đơn vị cấp vụ và tương đương (thành lập thêm 8 đơn vị cấp vụ).

Song, Kiểm toán Nhà nước đề xuất chỉ thành lập hai đơn vị mới là Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 8 thực hiện kiểm toán chuyên ngành về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và tài nguyên khác và Vụ Tài chính.

Theo đề xuất, Vụ Tài chính được lập trên cơ sở tách Ban Tài chính hiện đang trực thuộc Văn phòng Kiểm toán Nhà nước để phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đây dự kiến là đơn vị đầu mối trong quản lý, chỉ đạo tài chính kế toán 17 đơn vị dự toán trực thuộc, có con dấu riêng, tài khoản sử dụng kinh phí độc lập của Kiểm toán Nhà nước.

Như vậy, so với chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, việc này sẽ giảm được 6 đơn vị trực thuộc, gồm hai kiểm toán khu vực, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Trung tâm Thông tin - Tư liệu và Thư viện, Viện Nghiên cứu Khoa học kiểm toán, Thời báo Kiểm toán.

Về biên chế, chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 dự kiến giao cho cơ quan này 3.500 biên chế. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đề xuất giãn lộ trình triển khai, dàn đều trong 10 năm (từ 2016 đến 2025), với tổng số đội ngũ công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước đến năm 2025 là 3.054 người (giảm so với chiến lược là 446 người).

Về giai đoạn 2025 đến 2030, trên cơ sở ổn định số biên chế đã có, Kiểm toán Nhà nước dự kiến tập trung kiện toàn, sắp xếp, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét: “Trong khi một số cơ quan khác đang “vật vã” muốn tăng biên chế thì Kiểm toán Nhà nước lại khá gương mẫu trong các đề xuất về bộ máy, biên chế như trên”.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cũng ngạc nhiên về việc Kiểm toán Nhà nước đã đi ngược lại xu thế chung, trong bối cảnh hệ thống cơ quan Nhà nước chỉ muốn tăng chứ khó giảm biên chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, đề xuất nói trên thể sự cố gắng lớn của toàn ngành, trong khi nhiệm vụ của kiểm toán ngày càng tăng lên.

Dù cũng ghi nhận nỗ lực của ngành kiểm toán song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước trả lời, việc giảm bộ máy, con người trong điều kiện nhiệm vụ của ngành ngày càng tăng có mâu thuẫn hay không, có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành hay không?

Chốt lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Kiểm toán Nhà nước hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi đã có ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định theo tờ trình mới.

P.Thảo