1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Những đường dây "chăn dắt" ăn xin ở Biên Hòa - Bài 2:

Kiếm tiền triệu nhờ người ăn xin

Những người đi ăn xin che giấu thân phận "ăn xin thuê" để bảo vệ những kẻ “chăn dắt”.

Trên số trước, chúng tôi vạch mặt vợ chồng ông Chung “chăn dắt” hai người già ăn xin. Kỳ này, chúng tôi tiếp tục xâm nhập vào đường dây “chăn dắt” khác mà nạn nhân là những người tàn tật, trẻ em…
 

Điều đặc biệt là những người bị coi là nạn nhân lại che giấu thân phận “ăn xin thuê” theo kịch bản sắp đặt của “chủ”.

 

Che giấu kẻ “chăn dắt”

 

Khoảng 23 giờ ngày 24-6, mưa như trút nước, trời càng về khuya càng lạnh nhưng tại cây xăng Tân Phong, một cụ bà ăn xin vẫn miệt mài “làm việc”. Bà cụ ngồi co ro sau trụ bơm xăng để tránh mưa nhưng hễ thấy xe vào đổ xăng là bước lại, chìa chiếc mũ lưỡi trai cáu bẩn trước mặt khách đổ xăng, thều thào: “Cho bà vài đồng bạc lẻ để bà sống qua ngày”.
 
Thành, người đang nuôi bốn người ăn xin trong phòng trọ. Ảnh trong bài: T.DŨNG
Thành, người đang nuôi bốn người ăn xin trong phòng trọ. Ảnh trong bài: T.DŨNG

 

Thành, người đang nuôi bốn người ăn xin trong phòng trọ. Ảnh trong bài: T.DŨNG

 

Hình ảnh cụ già với khuôn mặt nhăn, méo xệch như sắp khóc, bộ quần nhàu nhĩ ướt nhẹp khiến nhiều người động lòng trắc ẩn. Những đồng tiền mệnh giá từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng liên tục được khách đổ xăng bỏ vào chiếc mũ lưỡi trai của bà cụ. Khoảng chục phút, bà cụ vơ vội nắm tiền nhét vào chiếc túi mang bên hông. Chỉ quan sát trong gần một giờ đồng hồ, chúng tôi nhẩm tính số tiền bà cụ xin được cả trăm ngàn đồng.

 

Trong vai khách đổ xăng, chúng tôi tiếp cận bà cụ. Bà cho biết tên Lương, 65 tuổi, quê Quảng Bình. “Ở quê mất mùa, tôi theo người quen vào đây ăn xin được hơn tuần nay, kiếm tiền để tết về quê. Hằng ngày tôi ăn cơm bụi và đang sống cùng con cháu làm công nhân. Mỗi ngày tôi xin được khoảng 50.000-100.000 đồng, có ngày không được đồng nào. Trưa về nhà ngủ, chiều ra xin đến khuya, tối ăn mì gói hoặc bánh mì lót dạ” - bà Lương nói.

 

Khi chúng tôi đang trò chuyện, có một người đàn ông đeo khẩu trang đi xe máy trờ tới bấm hai tiếng còi rồi chạy tiếp chừng 100 m thì dừng lại. Nhận được tín hiệu, bà Lương vội vàng bước nhanh đến chỗ người đàn ông đang đợi, leo lên xe máy để ông ta chở về.

 

Bám theo, chúng tôi thấy người đàn ông dừng xe trước cổng khu nhà trọ thuộc khu phố 8A, phường Tân Biên. Khi bà Lương xuống xe,  ông ta quay xe chạy đến cây xăng tại phường Tân Tiến nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, một bé trai và một ông già mù đang co ro dưới gốc cây. Thấy ông ta đến, đứa bé liền dắt ông già mù lên xe cho người đàn ông chở về. Sau đó, người đàn ông chạy xe thêm một lượt nữa và chở về một ông già gù lưng.
 
Ông già mù, đứa bé và bà Lương đang đi ăn xin trong khi Thành cho rằng họ đi bán vé số.
Ông già mù, đứa bé và bà Lương đang đi ăn xin trong khi Thành cho rằng họ đi bán vé số.
Ông già mù, đứa bé và bà Lương đang đi ăn xin trong khi Thành cho rằng họ đi bán vé số. 

 

Chỉ là người ở chung!?

 

Sáng 25-6, đến khu nhà trọ tìm hiểu, chúng tôi biết người đàn ông chở những người ăn xin về nhà tên Thành (thường gọi là Mập, quê Quảng Xương, Thanh Hóa).

 

Trong phòng trọ, chỉ có ông già lưng gù đang nằm ngủ còn những người khác đã đi ăn xin. Chỉ ông già, Thành cho biết đó là cha của Thành, lâu lâu đi bán vé số và mỗi ngày ông cụ kiếm được từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng. Thế nhưng sau một lúc trò chuyện, Thành cho biết đang chạy xe ôm, kiếm từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày và thú thật ông già không phải cha mình. Thành cũng cho biết ngoài ông già, Thành đang sống chung với ba người khác vì thương tình và để chia tiền phòng. Theo Thành, hằng ngày những người sống chung với Thành phải đóng 40.000 đồng tiền ăn; mỗi tháng 200.000 đồng tiền phòng. “Cả bốn người đều đi bán vé số” - Thành nói.

 

Sự thật cả bốn người ở với Thành đều hành nghề ăn xin. Hằng ngày, hơn 5 giờ sáng, họ đón xe buýt lên TP Biên Hòa ăn xin, trưa về nhà ăn cơm. 14 giờ lại ra đón xe buýt đi ăn xin và đến 23 giờ, Thành đi đón từng người về phòng trọ. Và những người này được huấn luyện để che giấu thân phận “ăn xin thuê”!
 

Quỵt tiền người “ăn xin thuê”

Ngày 24-6, trên đường Nguyễn Ái Quốc, chúng tôi gặp một ông cụ ăn xin đang ngồi đợi xe buýt tại nhà chờ phía trước Công ty Điện lực Đồng Nai thuộc phường Tân Hiệp. Ông cụ cho biết ông tên Th., 75 tuổi, quê huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa và đang đón xe để về nhà trọ ở phường Hố Nai. 

Cụ Th., người ăn xin bị chủ quỵt “tiền lương”.

Theo ông cụ, trước tết một phụ nữ tên Hằng ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đến nhà đặt vấn đề: Muốn vào Nam làm ăn thì bà dẫn đi. “Nhà neo người, con cái lấy chồng xa nên tôi đồng ý. Bà Hằng giao ước hằng ngày tôi đi ăn xin với “mức lương” 1,5 triệu đồng/tháng còn số tiền kiếm được giao hết cho bà Hằng. Vất vả và bị chửi bới, tôi xin “tiền lương” để về quê nhưng bà Hằng không đồng ý, đuổi tôi ra khỏi nhà và quỵt luôn “tiền lương”. Hiện tôi đang ở trọ với một người quen tại phường Hố Nai và hằng ngày đi ăn xin để kiếm tiền về quê. Còn bà Hằng chuyển địa chỉ, không biết đang ở đâu” - cụ Th. nói.
 

 

Theo Tiến Dũng

Pháp luật Tp HCM