1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

ĐƯỜNG DÂY “CHĂN DẮT” ĂN XIN Ở BIÊN HÒA - BÀI 1

Thuê “cha, mẹ” đi ăn xin

Xin được bao nhiêu tiền đều phải nộp hết cho “chủ”.

LTS: Trên đường phố Biên Hòa (Đồng Nai), người dân không khó bắt gặp cảnh người già, con nít ngửa tay xin tiền và trong chúng ta ai cũng động lòng trắc ẩn, sẵn lòng giúp họ. Sự thật, hoàn cảnh của những người này rất đáng thương, chấp nhận làm cái nghề mạt vận trong xã hội. Thế nhưng họ lại là nạn nhân, là công cụ kiếm tiền của những kẻ giấu mặt… Sau nhiều ngày theo chân những người ăn xin, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã vạch mặt những kẻ sống bám vào người già, trẻ em… ở Biên Hòa.

 

Đều đặn chúng tôi luôn gặp một cụ ông và một cụ bà đi ăn xin tại cây xăng trên đường Nguyễn Ái Quốc, thuộc khu phố 1, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) và một cây xăng trên đường Đồng Khởi (phường Tân Hiệp). Nhìn dáng dấp khổ hạnh của hai cụ, ai cũng động lòng trắc ẩn…

 

Bị lừa vào đường ăn xin

 

Sáng 24-6, chưa đến 5 giờ, một người đàn ông chừng khoảng 50 tuổi chạy xe máy 74F6-6370 chở hai người già tấp vào lề đường Nguyễn Ái Quốc. Xe dừng, ông già xuống xe. Sửa lại tay áo, ông lê bước về hướng cây xăng Tân Phong cách đó chừng 100 m. Đến nơi, ông bắt đầu công việc hằng ngày của mình.
 
 Ông Chung đang đợi để chở những người ăn xin về nhà trọ. Ảnh: TD
 Ông Chung đang đợi để chở những người ăn xin về nhà trọ. Ảnh: TD 

 

Tại cây xăng, thấy người nào vào đổ xăng là ông chìa cái mũ lưỡi trai, chờ đợi bố thí và rất ít người từ chối cho tiền. Khách đổ xăng bỏ tiền vào chiếc mũ, ông lại đến xin tiền người khác…

 

Sau khi bỏ ông già, người đàn ông tiếp tục chạy xe máy về ngã tư Tân Phong rồi rẽ vào đường Đồng Khởi, tấp vào lề cho bà cụ xuống xe. Cũng tương tự như ông già, bà đi đến cây xăng Tân Hiệp cách nơi bà xuống xe chừng 100 m để xin tiền.

 

Tiếp cận ông già để hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, ông già ăn xin cho biết: Ông tên T., quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa. Ở quê mất mùa, cuộc sống rất khó khăn nên khi ông Chung (người chạy xe chở ông đi ăn xin hằng ngày - PV) đề nghị vào miền Nam làm thuê, mỗi tháng trả lương 3 triệu đồng, nuôi cơm nên ông nhận lời ngay. “Sau tết 2014, vào đến Biên Hòa tôi mới biết công việc mà ông Chung thuê tôi làm là đi ăn xin. Sống giữa nơi xa lạ, lại không có tiền nên tôi phải chấp nhận công việc mà ông Chung yêu cầu” - ông T. nói.

 

Theo ông T., hằng ngày xin được bao nhiêu tiền ông phải giao nộp lại hết cho vợ chồng ông Chung. “Cứ 5 giờ sáng, ông Chung chở tôi và một bà già đi xin tiền. Đến 11 giờ trưa thì họ chạy xe ra đón về nhà ăn cơm và lấy tiền. Đến 2 giờ chiều, ông Chung lại chở chúng tôi ra các cây xăng ăn xin cho đến 23 giờ đêm lại đến đón về. Vợ chồng ông Chung giao chỉ tiêu là mỗi ngày tôi phải xin được ít nhất 250.000 đồng. Nếu ít hơn sẽ bị họ chửi bới thậm tệ. Đi ăn xin suốt ngày vừa mệt vừa xấu hổ nên tôi muốn về quê. Tuy nhiên, vợ chồng ông Chung không cho, bảo đợi đến tết” - ông T. cho biết.

 

Bà T., ông T. bị ông Chung lừa đi ăn xin thuê. Ảnh trong bài: TIẾN DŨNG
Bà T., ông T. bị ông Chung lừa đi ăn xin thuê. Ảnh trong bài: TIẾN DŨNG
Bà T., ông T. bị ông Chung lừa đi ăn xin thuê. Ảnh trong bài: TIẾN DŨNG

 

Tiếp cận kẻ “chăn dắt”

 

Tương tự, cụ bà ăn xin tại cây xăng Tân Hiệp tên T. cho biết bà đã 68 tuổi, quê ở Triệu Sơn (Thanh Hóa) và cũng là người “làm thuê” cho vợ chồng ông Chung được hơn hai tháng nay. “Mỗi tháng tôi được vợ chồng ông Chung trả 2 triệu đồng, ít hơn so với ông T. vì tôi lành lặn, trông khỏe mạnh nên ông Chung trả công ít hơn… Khi đến Biên Hòa, ông Chung bắt đi ăn xin. Không muốn nhưng đành chịu vì không biết đường, tôi cũng chẳng có tiền để về quê và ông Chung không cho về” - bà nói.

 

Theo chân người đàn ông qua những con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi tiếp cận một ngôi nhà cấp bốn, không số tại khu phố 2, phường Tân Biên. Tại đây, người đàn ông chở hai ông bà ăn xin cho biết ông ta tên Chung (50 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa).

 

“Gia đình tôi thuê căn nhà ở hơn một năm nay. Gia đình đang sống cùng hai con trai, hai con dâu, hai cháu nội và bố mẹ” - ông Chung nói. Vợ ông Chung nói thêm về hoàn cảnh gia đình: “Con cái tôi đi làm ăn nên hai vợ chồng ở nhà lo cơm nước, chăm cháu chứ không đi làm”. Khi chúng tôi hỏi thăm về cha mẹ họ, vợ ông Chung cho biết: “Hiện cha mẹ chúng tôi đang đi chơi ở nhà người bà con nên không có ở nhà” - vợ ông Chung nói trong cảnh giác.

 

Và sự thật, người mà hai vợ chồng ông Chung nhận là cha mẹ chẳng có quan hệ máu mủ gì và khi hai người già này đang ăn xin thuê, họ nói dối là đi chơi ở nhà bà con…

 

Theo Tiến Dũng

Báo Pháp luật TP HCM