1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập

(Dân trí) - Cầu Đá nằm trên QL 2 sập đã gần 2 tháng nay. Huyện vẫn đang “ì ạch” khắc phục, xã bỏ lửng trách nhiệm, còn dân “hí hửng” tự dựng cầu tạm và ngang nhiên thu phí các phương tiện qua lại.

Sự việc bắt đầu diễn ra từ khi cây cầu Đá trên quốc lộ 2 đoạn qua xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị mưa bão đánh sập hồi đầu tháng 5/2009.

Dựng cầu tạm, lập “trạm thu phí”…

Chiều 18/6, có mặt tại xã Minh Trí, PV Dân trí đã tận mắt chứng kiến cảnh người dân địa phương thu phí các phương tiện giao thông đi qua cây cầu tạm. Chiếc cầu tạm này do người dân thôn Thắng Trí, xã Minh Trí dựng lên, rộng khoảng hơn 1m, dài gần 3m, được “thiết kế” từ mấy miếng ván gỗ mỏng, 2 bên tay vịn bằng sắt. Cầu phát tiếng kêu ọt ẹt mỗi khi có phương tiện đi qua, khiến ai cũng run, sợ cầu tạm cũng... sập nốt.
 
Kể từ khi lập nên cây cầu “úi sùi” này, người dân địa phương luôn bố trí khoảng 4-5 người “chốt” ở đầu cầu, mỗi xe máy qua lại đều phải nộp cho họ một khoản lệ phí là 2.000 đồng/lượt. “Kiểm soát viên” chủ yếu là người lớn, nhưng cũng có lúc là trẻ con, cứ thấy có người đi qua là hô: “Nộp tiền, nộp tiền…”
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 1
Cứ qua cầu là phải nộp 2.000 đồng.

Các “kiểm soát viên” cho biết: “Nếu người qua cầu là dân trong thôn sẽ không phải mất tiền, còn những người ở nơi khác hễ đặt chân lên cầu là phải nộp phí”. Ai có ý định vượt “trạm thu phí”, cố tình chạy thẳng để “trốn vé” sẽ bị các “kiểm soát viên” đuổi theo quyết liệt, giữ xe không cho đi.

Khi mới dựng cầu tạm, thành cầu chỉ là nhưng thanh tre, gỗ ọp ẹp nên người qua cầu chỉ dám dắt xe (dắt xe cũng phải nộp 2.000 đồng) Mới đây, cầu tạm được “gia cố” thêm 2 thanh sắt làm lan can thì người đi đường mới dám phóng xe qua.

Đối với ô tô, do cầu quá nhỏ không thể lưu thông qua, nên những người điều khiển ô tô phải trả cho các “hướng dẫn viên” khoản tiền công từ 10.000 đồng/xe/lượt trở lên mới được... chỉ cho lối đi khác.

Anh V.H.P (ở xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bức xúc: “Tuần nào tôi cũng đi về qua con đường từ quốc lộ 2 dẫn qua xã Minh Trí - Sóc Sơn , Hà Nội, nếu ko đưa tiền thì họ không cho qua cầu. Tôi còn được chứng kiến những người thu phí kéo đuôi xe của người đi đường không nộp tiền khiến họ bị ngã”.

Theo ghi nhận của PV, cầu Đá thuộc quốc lộ 2 nối liền huyện Sóc Sơn của Hà Nội với thị trấn Xuân Hòa, huyện Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc nên hàng ngày lượng người và phương tiện lưu thông trên tuyến rất lớn.

“Họ không ép, ai đi thì tự nguyện trả tiền”

Được biết, cầu Đá được xây dựng từ những năm 1960 trên quốc lộ 2. Năm 2004, tuyến lộ được nâng cấp thành đường nhựa, nhưng chỉ có đường được cải tạo còn cầu thì không.

Ngày 8/5/2009, 1 trận mưa lớn đã đánh sập cầu khiến việc đi lại của người dân trên tuyến bị gián đoạn. Trong khi chờ đơn vị chức năng “ì ạch” khắc phục, một số người dân địa phương đã nhanh chóng tận dụng cơ hội dựng cầu tạm và lập “trạm thu phí” như trên.

Trước vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với cán bộ có trách nhiệm của chính quyền xã sở tại. Nói về sự cố cầu sập, ông Phùng Minh Cuộc (Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí) cho hay: “Do mưa lớn nên cầu Đá bị sập. Trong 5 ngày đầu bị sập cầu, chúng tôi đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, làm rãnh thoát nước và cử lực lượng công an, dân phòng canh giữ, chỉ dẫn đường, cấm tất cả các trường hợp đi qua”.

Về phía ông Hoàng Văn Tần, với trách nhiệm là cán bộ Giao thông - Thủy lợi xã Minh Trí, khi được hỏi về phương án khắc phục sự cố và việc người dân địa phương ngang nhiên dựng cầu tạm không đảm bảo an toàn rồi thu tiền của người đi đường, ông Tần thản nhiên: “Kinh phí khắc phục ngoài tầm của xã nên phải chờ huyện. Nếu chúng tôi dựng cầu tạm thì không thể bố trí lực lượng trực 24/24, cũng không thể thu phí của người đi đường. Còn dân dựng cầu, thu phí chưa thông qua ủy ban xã nhưng chúng tôi cũng đã biết. Dân dựng cầu tạm, thu phí nói là quy định nào thì cũng rất khó, nhưng dựng lên để khắc phục việc đi lại, họ cũng không ép buộc ai đi qua cầu, còn nếu ai đi thì tự nguyện trả tiền thôi…”.

Được biết, ngày 18/5/2009, UBND huyện Sóc Sơn ra Quyết định số 1672/QĐ-UBND về việc giao Giám đốc BQL dự án Sóc Sơn quản lý thực hiện xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp (theo hình thức xây dựng công trình khắc phục sự cố thiên tai - PV).
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 2
UBND huyện Sóc Sơn ra Quyết định khắc phục sự cố sập cầu Đá theo lệnh khẩn cấp

Tuy nhiên, tại hiện trường cầu Đá, sau gần 2 tháng bị sập, tiến độ khắc phục sự cố đang ở tốc độ “rùa bò”. Công trường cầu Đá ngổn ngang nhưng toàn bộ chỉ là hình dáng của một con đường tạm đắp vội vẫn chưa xong, 2 cống thoát nước được thông và máy xúc đang đắp đập ngăn tràn.

“Nếu làm tích cực thì chỉ khoảng 2 ngày là thừa sức xong 1 con đường tạm” - ông Tần khẳng định.

Cầu bị sập nhưng huyện vẫn “ì ạch” khắc phục, xã bỏ lửng trách nhiệm, không đứng ra khắc phục sự cố, để dân dựng cầu tạm và ngang nhiên thu phí đối với các phương tiện qua lại. Nếu cơ quan chức năng không sớm có phương án hiệu quả để khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng trên thì nhiều bất cập và bất bình sẽ còn tồn tại.
 
Dưới đây là một số hình ảnh về chiếc cầu tạm và việc thu phí PV Dân trí ghi lại chiều 18/6:
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 3
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 4
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 5
Cầu tạm do người dân thôn Thắng Trí, xã Minh Trí dựng lên
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 6
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 7
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 8
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 9
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 10
Nộp tiền qua cầu
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 11
Kiếm bộn nhờ sự cố... cầu sập
 
Kiếm bộn tiền nhờ… cầu sập - 12
Công trường cầu đá sau gần 2 tháng Khắc phục "khẩn cấp" (?!)

Châu Như Quỳnh