Khu vực trung tâm TPHCM sẽ được mở rộng
Trung tâm của TPHCM sẽ mở rộng từ quận 1 và một phần quận 3 như hiện nay ra phần diện tích gồm các quận: 1, 3, 4, 5, Bình Thạnh và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đó là nội dung cơ bản của tờ trình điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025 mà UBND vừa trình Thành ủy và HĐND TPHCM xem xét.
Theo đó, hệ thống các trung tâm hành chính, lịch sử, ngân hàng, văn hóa thương mại, tài chính sẽ không chỉ nằm ở quận 1 và quận 3 (như quy hoạch đến 2010 được làm năm 1998). Việc mở rộng sẽ thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu trung tâm tương tự tại quận 4, 5, Bình Thạnh và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Đây là xu hướng phát triển tất yếu của TPHCM. Chúng ta không thể bó hẹp các hoạt động quan trọng trong một không gian hẹp như trước" - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM nói.
Quy hoạch chung đến năm 2025 cũng đưa ra chỉ tiêu: đến năm 2010 dân số thành phố vào khoảng 10 triệu người và giữ ổn định đến 2025. Trong đó, sẽ khống chế dân số các quận nội thành là 7,4 triệu người (so với năm 1998 là 6 triệu người), các huyện là 2,6 triệu người. "Đây là quy mô của thành phố đặc biệt lớn theo tiêu chuẩn thế giới" - ông Hòa khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, mục tiêu của việc điều chỉnh sẽ là xây dựng TP HCM trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học, công nghệ của khu vực Đông Nam Á. "Muốn vậy, bắt buộc thành phố chúng ta phải mở rộng các khu trung tâm. TPHCM sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm là điều tất yếu".
Theo đó, đến năm 2025, ngoài khu trung tâm mới, TPHCM vẫn xác định phát triển theo hướng đa tâm. Bên cạnh các hướng phát triển đã định hình trước đó là hướng chính về phía Đông Bắc, hướng phía Nam tiến ra biển, hướng phụ về phía Bắc, Tây Bắc. Quy hoạch lần này còn bổ sung hướng phát triển phụ về phía Tây và Tây Nam.
Các khu đô thị khoa học - công nghệ được bổ sung ở cửa ngõ phía đông bắc thuộc quận 9, Thủ Đức. Ở phía nam thuộc huyện Nhà Bè là khu đô thị Hiệp Phước. Trung tâm thương mại, ngân hàng, tài chính tại khu A Nam Sài Gòn, quận 7, dọc xa lộ Hà Nội, quận 9, tại khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn và tại khu vực Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Các tiêu chuẩn thiết kế đô thị cũng được xây dựng phù hợp từng khu vực, nhất là khu trung tâm hiện hữu và nghiên cứu sâu về không gian đô thị, tầng cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất...
Thành phố xác định vị thế của mình trong mối quan hệ vùng đô thị với các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh... nhằm liên kết xây dựng, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tài nguyên thiên nhiên, phân bố dân cư, phát triển nguồn nhân lực, bố trí khu công nghiệp cũng như công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, đề án cũng tăng diện tích đất các đại học, cao đẳng dạy nghề và nghiên cứu khoa học khoảng 1.000ha, nằm ở phía đông quận 9, phía nam quận 7, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Bố trí các trung tâm nghiên cứu y tế kỹ thuật cao gắn với chẩn đoán, điều trị theo mô hình viện - trường tại huyện Bình Chánh và Củ Chi, mỗi khu khoảng 100ha.
Đất dành cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao khoảng 9.000ha, kho bãi khoảng 4.000ha, công trình hạ tầng kỹ thuật khoảng 2.000ha so với trước đó là 6.000ha. Các khu này sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp chủ lực, công nghệ cao...
Đợt điều chỉnh lần này cũng khẳng định, sẽ di dời các cảng Sài Gòn, Khánh Hội, Xí nghiệp liên hiệp Ba Son và quy hoạch thành hệ thống cảng biển mới tại khu vực Cát Lái, quận 2 và khu vực cảng biển kết hợp khu dân cư Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gắn với hệ thống cụm cảng số 5 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Quy hoạch giao thông kết hợp đồng bộ, hợp lý giữa giao thông động và tĩnh, hoàn chỉnh hệ thống bến bãi đậu xe nổi và ngầm. Phát triển hệ thống vận tải công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt nội ô như xe điện ngầm, trên mặt đất, trên cao. Hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai, đường trục đối ngoại và đường nội ô...
Theo Chủ tịch Hội đồng quy hoạch TPHCM ông Nguyễn Trọng Hòa thì hiện nay quy đề án hoạch chung thành phố đến 2025 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. UBND TPHCM đã giao cho Viện Qui hoạch xây dựng thành phố và Công ty NIKKEN SEKKEI - Nhật Bản - cùng nghiên cứu thực hiện đề án này. Viện nghiên cứu Quy hoạch LYON - Cộng hòa Pháp - sẽ là cơ quan phản biện đề án.
"Đây là vấn đề lớn, thành phố sẽ tiếp tục lấy ý kiến các nhà khoa học, các nhà chuyên môn... để hoàn thiện đề án" - ông Hòa cho hay.
Theo Hải Ngọc
Vnexpress