PhotoStory

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống

Thực hiện: Thanh Tùng

(Dân trí) - Khi người dân xin lập sinh từ để thờ sống, do biết mình là hoạn quan không có người thờ tự, Quận Công Lê Trung Nghĩa đã bằng lòng. Ông thuê thợ đục tượng xây thành khu lăng mộ.

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 1

Tọa lạc trong cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Lăng Quận Mãn là một khu lăng mộ cổ được xây dựng cách đây gần 300 năm. 

Khu lăng mộ được đích thân Quận Công Lê Trung Nghĩa - viên quan thời Lê Trung Hưng (không rõ năm sinh, mất năm 1786) cho xây dựng trên chính quê hương ông.  

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 2

Theo sử sách, Lê Trung Nghĩa người ở làng Tu, thôn Nhuệ, thuộc xã An Hoạch, tổng Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn (nay là phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa). Vì nhà nghèo nên ông phải rời khỏi quê để tránh việc nấu chè kho khao làng theo tục lệ. Ông đi đến làng Mía, tỉnh Ninh Bình, được vợ chồng chủ quán cho ở nhờ để đi làm công tại làng Mía.

Sau đó ông đi lính, được chọn làm quân cấm vệ, tình nguyện bị hoạn để phục vụ trong cung. Sau này ông được thăng chức Đô đốc Tổng trấn tước Quận Công, được người dân gọi là Quận Mãn.

Tháng 11/1786, vua Lê Chiêu Thống và chúa Trịnh Bồng xảy ra xung khắc. Lê Chiêu Thống sai tướng Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An kéo quân ra hộ giá. Chúa Trịnh Bồng cử Trấn thủ Thanh Hoa Lê Trung Nghĩa làm tham lĩnh và Đốc đồng Phan Huy Ích làm đốc thị kéo quân chặn đánh tướng Nguyễn Hữu Chỉnh ở địa phận thị xã Nghi Sơn ngày nay nhưng thất bại. Lê Trung Nghĩa bị giết. 

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 3
Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 4

Trước lúc mất, Lê Trung Nghĩa khi đang làm Tổng trấn Thanh Hoa từng được người dân địa phương xin lập sinh từ để thờ sống. Do biết mình là hoạn quan, không có con cháu thờ tự nên ông bằng lòng và tự xuất tiền mua ruộng giao cho dân cày cấy để lấy nơi thờ cúng về sau.

Ông thuê thợ làng Nhuệ lấy đá núi Nhồi đục tượng xây thành khu lăng mộ.

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 5

Khu lăng mộ trước đây có đình thờ, cây cối rậm rạp. Song do chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn lại nền móng cùng một số hiện vật bằng đá có giá trị lớn về mặt lịch sử và nghệ thuật điêu khắc đá.

Các pho tượng quan văn, quan võ, linh vật, văn bia đều được làm bằng đá xanh nổi tiếng của núi Nhồi.

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 6

Từ ngoài vào khu lăng mộ có 2 con chó đá cao gần 1,5m đứng canh cổng.

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 7

Số đồ thờ còn lại có hai chiếc ngai bằng đá, chiếc lớn đặt trên một bể đá hình vuông, rộng 2m, dài 2m, dày khoảng 40cm. 

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 8
Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 9

Dọc hai bên khu lăng mộ có 10 tượng quan văn võ, tay cầm gươm, đầy đủ trang phục. Trải qua thời gian, những pho tượng này rêu phong cổ kính nhưng còn khá nguyên vẹn.

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 10

Trong quần thể khu lăng mộ còn 4 tấm bia đá, mỗi tấm cao khoảng 2m, rộng 1,2m, dày 15cm. Những tấm bia này ghi tiểu sử của Quận Công Lê Trung Nghĩa và tên các làng cúng tế. 

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 11

Một pho tượng chó đá bị hư hỏng, sứt mẻ. 

Khu lăng mộ đá cổ vị hoạn quan từng được người dân thờ sống - 12

Phía ngoài cổng vào khu lăng mộ có một tượng đá hình con rùa nặng hàng tấn. Pho tượng này không được bảo quản cẩn thận nên bị đục đẽo, sứt mẻ ở nhiều vị trí. 

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, cho biết Di tích Lăng Quận Mãn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992.

Trước tình trạng di tích có dấu hiệu xuống cấp, tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành đang nghiên cứu, quy hoạch để bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa này.