1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Không xem xét đổi tên nước cũng phải giải trình thuyết phục

(Dân trí) - “Lý do không bàn đổi tên nước để tránh phải sửa đổi sẽ tốn kém là không thuyết phục”, “đại biểu Quốc hội có quyền thay mặt cử tri cả nước quyết định tên nước nhưng không có quyền né tránh vấn đề này”…

Dù phương án lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đưa ra trong bản dự thảo lần thứ 2 đã bị loại bỏ, rút ra khi làm bản dự thảo trình ra Quốc hội, nội dung này vẫn gây tranh luận trong phiên thảo luận về việc sửa Hiến pháp tại các đoàn đại biểu Quốc hội ngày 27/5.

Người dân có quyền và trách nhiệm với tên nước
 
Đại biểu Đỗ Thị Thủy: Hầu hết cử tri đều muốn lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đại biểu Đỗ Thị Thủy: "Hầu hết cử tri đều muốn lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".
 
Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, không cần đổi tên nước vì sẽ “gây tốn kém trăm bề”, ngốn một khoản ngân sách rất lớn. Trong thời điểm khó khăn hiện tại, ông Dân cảnh báo, đó sẽ là một gánh nặng rất lớn với người dân.

Hơn nữa, đại biểu phân tích, tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã sử dụng hơn 30 năm qua, là một dấu ấn đặc biệt trong lòng mỗi người khi tên gọi này gắn với thời khắc lịch sử thống nhất hai miền Nam – Bắc, giải phóng hoàn toàn đất nước.

Ở góc độ khác, đại biểu Đỗ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) khái quát, qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cũng như các cuộc hội nghị, hội thảo tại địa phương để góp ý sửa Hiến pháp, hầu hết các ý kiến đưa ra đều tỏ ý rất muốn lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vấn đề này được nhắc đến ở hầu hết các cuộc họp.

Bà Thủy góp ý, dự thảo mới nhất trình xin ý kiến Quốc hội đã không còn nêu ra phương án đổi tên nước, báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý nêu lý do, phương án giữ nguyên tên nước hiện tại để tránh phải sửa đổi, khỏi tốn kém vì những thay đổi về con dấu, giấy tờ.

Bà Thủy “bác” lý do này, cho rằng không nên đưa ra vì cách giải thích như thế không thuyết phục. Theo đại biểu, việc đổi tên nước nếu đúng là cần thiết thì tốn kém cũng vẫn phải chấp nhận.

“Khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi ghi nhận các ý kiến đề xuất về đổi tên nước như thế mà sau kỳ họp Quốc hội cuối cùng không có sự tiếp thu, thay đổi, Quốc hội quyết định giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như hiện tại thì khi báo cáo lại cử tri, chúng tôi cũng phải giải thích thỏa đáng, thuyết phục, người dân mới chấp nhận” – đại biểu phân tích.

Một đại biểu khác của tỉnh Vĩnh Phúc – ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, cử tri rất quan tâm tên nước, nên công khai cả 2 phương án để mọi cử tri, người dân có quyền bàn luận. Ông Bảo nhấn mạnh: “Chúng ta là đại biểu Quốc hội, có quyền thay mặt cho cử tri quyết định vấn đề tên nước nhưng không có quyền né tránh việc này. Mọi người dân đều có quyền và trách nhiệm với tên nước. Quốc hội nên cân nhắc cả tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Gay gắt hơn, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) còn bày tỏ thất vọng vì không chỉ nội dung về tên nước, các ý kiến trái chiều về từng điều khoản quy định được thiết kế với các phương án khác nhau như ở bản dự thảo thứ 2 đều đã được “chỉnh” lại, cơ bản trở về như bản dự thảo đầu tiên đưa ra lấy ý kiến nhân dân đầu năm nay. Gửi lời trực tiếp tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi ông tham dự phiên thảo luận này (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là đại biểu Quốc hội của TPHCM), ông Lịch rầu rĩ: “Xin thưa với Chủ tịch nước, tôi không còn từ nào hơn để nói là thất vọng”.

Tư duy mới về vai trò của kinh tế nhà nước
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo: Vai trò của mỗi thành phần kinh tế do hiệu quả thực tế thể hiện.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo: "Vai trò của mỗi thành phần kinh tế do hiệu quả thực tế thể hiện".

Quy định về chế độ kinh tế cũng là nội dung được đề cập rất “xôm” tại các tổ thảo luận. Dự thảo mới nhất đưa ra tới ba phương án về nội dung này.

Phương án 1: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Phương án 2: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Phương án 3: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng ý với phương án 1 và 2 với sự quả quyết cần hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì các ý kiến trái chiều cũng rất mạnh mẽ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị chọn phương án 3 vì nếu chỉ nói kinh tế nhà nước chủ đạo thì dễ gây mặc cảm với các thành phần khác vì theo bà Tiến “nếu theo phương án 1 thì còn đâu nữa mà bình đẳng”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, hướng quy định ngắn gọn, không nhắc tên 5 thành phần kinh tế như trước đây là một tư duy mới mà người dân rất đồng tình. Ông Bảo lập luận, đất nước muốn phát triển được phải dựa vào tất cả các thành phần kinh tế, tất cả đều là cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, không nên phân biệt thành phần nào.

Hướng sang Bộ trưởng Đinh La Thăng (đại biểu tỉnh Thanh Hóa), một thành viên cùng tham gia trong tổ thảo luận, ông Bảo dẫn chứng, Bộ GTVT vừa qua đã làm được việc là huy động được các thành phần kinh tế khác nhau cùng tham gia trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông. Đó là cách làm đúng và hiệu quả.

“Muốn vậy chúng ta phải tạo được môi trường bình đẳng, không được có khái niệm trong đầu là có bao nhiêu thành phần kinh tế, dẫn đầu là gì, thứ 2, 3, 4… là gì, cần coi trọng thành phần nào hơn. Còn vai trò của mỗi thành phần để cho hiệu quả thực tế thể hiện. Một người được đẩy cao lên không có nghĩa là người có vai trò mà để thị trường chứng minh bằng việc người đó chiếm lĩnh thị phần như nào” – ông Bảo lập luận.

Ngồi ở hàng ghế đối diện, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhiều lần gật đầu tán thành.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm