1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không “tránh” sự giám sát của dân

(Dân trí) - “Những người đáng ở nơi này thì đừng đi nơi khác, những người đáng ở thành phố thì đừng ra ngoại thành… Đừng mang tư tưởng “trốn tránh” sự giám sát của dân, đánh giá của dân” - Ông Phạm Thế Duyệt nói về việc phân bổ các ứng viên.

Dưới đây là ghi chép của phóng viên trong cuộc trò chuyện với ông Phạm Thế Duyệt, Phó Chủ tịch hội đồng bầu cử Quốc hội khóa XII xung quanh vấn đề phân bổ các ứng viên.  

 

Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Nghị định Minh bạch tài sản trong việc vận dụng vào bầu cử Quốc hội lần này?

 

Không chỉ có đại biểu Quốc hội mà cả công chức cũng phải dần dần minh bạch tài sản để cán bộ, lãnh đạo đừng đi vào con đường lợi dụng chức quyền, đi vào con đường tham ô, tham nhũng. Vì thế, tôi đánh giá Nghị định có ý nghĩa rất tốt về mặt phòng ngừa, ít nhất cũng là sự giáo dục tốt cho những ai mang tính cá nhân, mang tính lợi dụng, vào vị trí nọ vị trí kia để trục lợi.

 

Hơn nữa, muốn hay không thì đây cũng là dịp người dân có căn cứ để rà soát những người mà họ quan tâm. Tôi nghĩ không phải với người ứng cử nào người dân cũng muốn hỏi, bởi cuộc sống bây giờ phong phú, phức tạp - đời tư, của cải của người làm ăn, doanh nghiệp, không phải cái gì cũng “phơi” ra ngoài. Nhưng người ta cũng không thể chấp nhận những bất minh, những người giàu có vô lối. Những trường hợp như vậy “lọt” vào ai thì chắc chắn người dân sẽ hỏi, có điều kiện để hỏi và hỏi có căn cứ. Vì thế tôi cho Nghị định có ý nghĩa rất tốt, ít nhất là đánh giá được đội ngũ cán bộ trong lúc bầu vào cơ quan đại biểu cao nhất.

 

Nhưng không phải cứ ban hành ra là mọi sự được giải quyết ngay mà phải có quá trình. Quá trình này bắt đầu ngay từ lúc bắt đầu vào Quốc hội thì sẽ rất tốt.

 

Bảng kê khai tài sản các ứng viên mình không công khai thì việc giám sát liệu có hiệu quả, thưa ông?

 

Tôi không gọi là không công khai. Bây giờ nhà báo chỉ cần hỏi: “Tôi đang phân vân cái này về ông Duyệt ứng cử Quốc hội”, những người có trách nhiệm sẽ cung cấp cho đồng chí ngay. Chỉ có điều là không phải đi phát thanh, đi truyền hình, đi nói ai có cái gì - không công khai theo nghĩa đó. Nói chung kê khai là có ý nghĩa để cho dân có điều kiện chất vấn, giám sát. Nếu bí mật thì không còn ý nghĩa nữa.

 

Trong những trường hợp nào Mặt trận sẽ thẩm tra?

 

Những trường hợp nào có đầy đủ những tố cáo mà không được xác minh, không được kết luận thì Mặt trận phải tỏ chính kiến.

 

UBMTTQ cũng là kênh tiếp nhận thông tin của cử tri về những người ứng cử, trong đó có cả những người mà Trung ương giới thiệu. Cho đến thời điểm này, mặt trận có nhận được những thông tin của cử tri phản ánh về phẩm chất, tư cách đạo đức của những người ứng cử?

 

Có chứ! Tất nhiên, các cơ quan có trách nhiệm đang phải xem xét. Có đến đâu chúng tôi chuyển cho những cơ quan có trách nhiệm đến đó để họ làm rõ. Đi đến hiệp thương 3 mọi chuyện không lờ mờ được mà phải rõ ràng. Đừng vội vàng đánh giá ai, nhưng ít nhất người ta hỏi vấn đề này, những người trách nhiệm kết luận thế nào? Dù là không thể triệt để được, nhưng cũng phải có quan điểm rõ ràng. Trong Hội đồng bầu cử, chúng tôi cũng yêu cầu việc này phải làm thật nghiêm.

 

Cử tri ở các địa phương đang quan tâm việc ứng cử viên sẽ được phân bổ về đơn vị bầu cử nào, bởi có những thông tin là có những địa phương rất khó khăn. Hiện nay việc xem xét để phân bổ về các đơn vị đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

 

Việc này chúng tôi chưa làm, nhưng đó là việc đáng quan tâm. Ở đây có hai khía cạnh của vấn đề. Một là đừng để các địa phương có hy vọng chọn ông nọ, ông kia để ứng cử thì mình sẽ được nhờ.

 

Thứ hai, ở trên cơ quan Hội đồng bầu cử mà Mặt trận chúng tôi có tham gia, khi có danh sách chính thức thì việc phân ai về đâu cũng hết sức chú ý đến tính thực chất, thiết thực. Những người đáng ở nơi này thì đừng đi nơi khác, những người đáng ở thành phố thì đừng ra ngoại thành. Những người đáng ở tỉnh mình, người dân biết nhiều về phẩm chất, đạo đức thì đừng đưa đi tỉnh xa.

 

Đừng mang tư tưởng “trốn tránh” sự giám sát của dân, đánh giá của dân. Thôi thì được 60%, 70% nhưng thực chất cũng được, còn hơn 90, 99% nhưng không thực chất, người ta không biết. Tôi tin là những người ứng cử Quốc hội đa phần sẽ tự ý thức về quan điểm này.

 

 Xin cảm ơn ông!

 

Kim Tân (ghi)