Không thông quan cửa khẩu cho xe quá tải trọng
(Dân trí) - Bộ GTVT vừa đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu, các khu vực thông quan hàng hóa không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá trọng tải.
Trong văn bản gửi các Bộ ngành có liên quan về việc tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cũng như công tác phối hợp trong tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết hiện có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai kiểm soát tải trọng xe; số lượng xe vi phạm chở quá tải đã giảm xuống dưới 20% (giảm sâu so với tỷ lệ 45,3% số lượng xe vi phạm trong tháng 01/2014); tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và các đơn vị kinh doanh vận tải...
Bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu, công tác kiểm tra tải trọng xe vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, một số địa phương đã ra quân nhưng chưa triển khai quyết liệt; lực lượng thực thi công vụ tại nhiều trạm kiểm tra tải trọng xe còn chưa nắm vững quy trình, nghiệp vụ; các quy định có liên quan đến tính toán tải trọng phương tiện còn chưa rõ ràng, dễ gây hiểu sai cho lái xe, chủ xe và lực lượng thực thi công vụ; công tác phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến vận tải hàng hóa và xếp hàng hóa lên xe ô tô còn chưa đạt hiệu quả cao.
Xe quá tải trọng sẽ không được thông quan cửa khẩu
Để tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cũng như công tác phối hợp trong tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong thời gian tới, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc; ban hành Thông tư liên tịch Quy định việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương tổ chức thực hiện kiểm soát tải trọng xe; bố trí đủ nhân sự phân công làm việc biệt phái có thời hạn tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX), Công an các huyện phối hợp chặt chẽ khi có yêu cầu; có biện pháp giáo dục, tăng cường kiểm tra, giám sát lực lượng làm nhiệm vụ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ.
Bộ Quốc phòng, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Công an các địa phương tổ chức kiểm soát tải trọng các loại xe quân đội lưu thông không làm nhiệm vụ quân sự.
Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính, chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu, các khu vực thông quan hàng hóa không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký của xe.
Đề nghị các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có văn bản chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, khai thác tài nguyên, khoáng sản, nông sản và thủy sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xếp hàng hóa trên xe ô tô và có biện pháp kiểm soát chặt việc xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay tại khu vực đầu nguồn hàng do mình quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá trọng tải thiết kế của xe; yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không nhập khẩu loại xe ô tô quá khổ thùng, xi-téc chở hàng;
Bộ GTVT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các vi phạm về tải trọng xe theo chức năng nhiệm vụ, đúng quy định pháp luật; trú trọng việc kiểm tra tải trọng phương tiện thông qua kiểm tra hóa đơn hàng hóa chở theo xe hoặc hợp đồng vận tải, giấy vận tải theo quy định; duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần; tập trung kiểm soát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm; đưa trạm KTTTX lưu động vào hoạt động khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý về biên chế, nhân sự, đăng ký phương tiện để đưa trạm vào hoạt động trước ngày 30/4.
Liên quan đến tình trạng các xe quá tải trọng “cày nát” các tuyến đường nhỏ gần Trạm Kiểm soát giao thông Ba Hàng (Hải Dương), trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Phạm Văn Lưu - Trạm trưởng - cho biết, trạm cân lưu động trên địa bàn tỉnh Hải Dương bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 3/2014, nhưng mỗi ngày chỉ xử lý được vài trường hợp bởi các xe có nhiều cách để né trạm cân.
Cũng theo Thượng tá Lưu, chính chiếc cân tải trọng cũng bộc lộ một số bất cập như khi cân các xe siêu trường, siêu trọng thì cân thường loạn số và hỏng. Khi trang bị trạm cân cho các tỉnh, Nhà nước phải trang bị thêm các cơ sở vật chất kèm theo như: máy cẩu để xe quá tải thì lập tức hạ tải; xây dựng bến bãi để tạm giữ các xe quá tải và hàng hóa quá tải trọng. “Khi cánh tài xế nhìn thấy xe chở quá tải mà máy cẩu hạ tải xuống thì họ mới sợ, rồi bến bãi xây dựng đồng bộ khang trang thì trạm cân mới phát huy hết tác dụng. Chứ kiểm soát quá tải mà không hạ tải được thì không ăn thua. Cái khó khăn nữa là với các xe chở dầu khí, xi măng bột, container có kẹp chì…rất khó hạ tải khi họ chở quá tải” – Thượng tá Lưu chia sẻ. Xe quá tải đi vào các tuyến đường nhỏ để tránh trạm cân xe Ba Hàng - Hải Dương (Ảnh: Nguyễn Dương)
Thượng tá Phạm Văn Lưu cũng nêu quan điểm, các cấp có thẩm quyền cần ra một văn bản quy định nơi cấp phát hàng hóa căn cứ vào đăng kiểm từng loại xe mà cấp đúng tải trọng. Nếu nơi cấp hàng mà cấp quá tải trọng, khi lực lượng chức năng phát hiện sẽ cũng bị xử lý. Cần làm tốt vấn đề tải trọng ngay từ nơi cấp hàng sẽ tạo được sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải. Nếu không làm tốt vấn đề tải trọng ngay từ khâu cấp phát hàng, thì việc đưa trạm cân kiểm soát tải trọng xe trên đường mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề.
“Tôi lấy ví dụ, xe chở quá tải từ đi cảng dưới Hải Phòng lên đến Hải Dương là khoảng gần 40km, mà chúng tôi bắt gặp và xử lý, thì chiếc xe quá tải này cũng đã phá hủy 40km đường từ dưới đó lên đây, đó là tôi nói xử lý được...” - Thượng tá Lưu phân tích.
Nguyễn Dương |
Châu Như Quỳnh