1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Không thể né tránh khiếu nại đông người

(Dân trí) - Thảo luận góp ý kiến về dự án Luật khiếu nại, phần đông ĐBQH cho rằng: Luật không thể né tránh hình thức khiếu nại đông người. Bởi đây một vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, nếu dự thảo luật không đề cập đến là không có gì mới.

Không thể né tránh khiếu nại đông người - 1
Tăng cường tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở góp phần hạn chế khiếu nại đông người (ảnh minh họa: Vnn)
 
Chiều 5/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật khiếu nại. Theo ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định): Về thời hạn giải quyết khiếu nại, luật hiện hành quy định là 30 ngày, tối đa là 45 ngày, nhưng từ đầu năm tới nay từ năm chỉ có 53,3% số vụ việc khiếu nại được giải quyết đúng hạn, số còn lại được giải quyết chậm so với quy định.
 
“Nếu rút ngắn thời hạn xuống còn 10 - 15 ngày như dự thảo thì con số này sẽ lớn hơn rất nhiều lần, luật không khả thi thì các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ thành những người vi phạm pháp luật đầu tiên. Do đó tôi đề nghị giữ nguyên thời hạn như quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành là 30 ngày, đối với vùng sâu, vùng xa không quá 45 ngày”.
 
Cũng theo ĐB Trần Thị Phương Hoa: “Về khiếu nại đông người, những năm gần đây kinh tế nước ta ngày càng phát triển, việc thu hồi đất để triển khai các dự án thường liên quan đến quyền lợi của nhiều người và thực tế dù pháp luật không cho phép, nhưng khiếu nại đông người vẫn xảy ra và cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể từ chối việc giải quyết. Tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm qui định về khiếu nại đông người và tách ra làm hai trường hợp cụ thể.
 
Đối với việc khiếu nại mà nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì hướng dẫn công dân làm chung một đơn khiếu nại và cử người đại diện tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại. Đối với việc khiếu nại đông người nhưng mỗi người khiếu nại một nội dung thì hướng dẫn từng người làm đơn riêng và thụ lý riêng từng trường hợp để giải quyết”.
 
Góp ý cho dự án Luật khiếu nại, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho hay: Luật cần chú trọng việc hòa giải, vận động, thuyết phục người dân hơn là vội vã can thiệp bằng một quyết định hành chính để giải quyết dẫn đến phát sinh khiếu nại.
 
Chúng ta đều biết rằng người dân có oan ức mới khiếu nại, hoặc chưa hiểu rõ chính sách pháp luật của Nhà nước mà khiếu nại, nếu như chúng ta vận dụng tốt Điều 3 Luật hiện hành sẽ góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ "xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn".
 
Về khiếu nại đông người, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh: “Có thể nói rằng đây là một vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, nếu dự thảo luật không đề cập đến là không có gì mới.
 
Bởi vì thực tiễn cho thấy chỉ 3 năm lại đây, số lượt đoàn đông người khiếu nại tăng nhanh, năm 2008 là 1.061, năm 2009 là 2.510, năm 2010 là 3.592 lượt đoàn. Nhiều đoàn với đông đủ thành phần nam nữ có, già trẻ có, có cả những người hiếu kỳ, có cả những người bị khích động, những người bị lôi kéo...
 
Đây là một thực tế không thể né tránh vì khi vụ việc xảy ra để góp phần ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển thì các cơ quan Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm xem xét giải quyết, dù là giải quyết dưới bất kỳ hình thức nào, dù là pháp luật chưa quy định.
 
Từ thực tế trên đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn thẳng vào bản chất của sự việc, khiếu nại đông người thực chất có phải là biểu tình với quy mô nhỏ không? Nếu như xác định đúng như vậy để khi nghiên cứu xây dựng Luật biểu tình sẽ điều chỉnh một cách cơ bản, toàn diện nhưng chí ít trong luật này cũng cần quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về việc xem xét, giải quyết khiếu nại đông người”.
 
Cũng đề cập tới việc khiếu nại đông người, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho hay: “Chúng ta không nên né tránh một thực tiễn, thực tiễn ấy hiện nay đang là điều hết sức bất cập.
 
Tôi xin đặt vấn đề như sau: Nếu chúng ta có nhiều người khiếu nại đông người cùng một nội dung, cùng một sự việc, chúng ta yêu cầu tách ra cho từng cá nhân một, yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải giải quyết theo hướng cho từng cá nhân, về mặt lý thuyết cũng rất là hay, nhưng trong thực tiễn sẽ khó cho tất cả các cơ quan giải quyết, khó cho cả công dân.
 
Tôi ví dụ việc khiếu nại đông người của vài trăm công dân có liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng, đền bù, nếu cơ quan giải quyết phải tách ra khoảng vài trăm đơn.
 
Cơ quan thụ lý giải quyết trong 10 ngày phải giải quyết luôn việc mấy trăm hộ như thế, liệu có đủ thời gian để giải quyết không? Trong luật này theo tôi, chúng ta đã giải quyết được rất nhiều việc, nhưng có những việc chúng ta không nên né tránh, đó là nên giải quyết việc khiếu nại đông người bằng một số điều khoản cụ thể”...
 
Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm