1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không nên “cự tuyệt” hình thức khiếu nại đông người

(Dân trí) - Nhiều đại biểu cho rằng, không nên cự tuyệt khiếu nại đông người, bởi dù không chấp nhận thì thực tế vẫn đang tồn tại hình thức khiếu nại này. Do đó, phương án tối ưu là phải “đối mặt” với khiếu nại đông người.

Những vấn đề này đã được đặt ra trong buổi thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Khiếu nại đông người, sáng 29/10.

Đề cập thực trạng giải quyết khiếu nại hiện nay, đại biểu Dương Hiền (Lạng Sơn) nhận xét : “Các lãnh đạo đi tiếp dân, giải quyết khiếu nại khổ lắm!”. Theo ông Hiền, có những lần lãnh đạo đi giải quyết khiếu nại về mất ăn, mất ngủ, cáu gắt với vợ con. Sở dĩ như vậy vì trong quá trình giải quyết, một số người khiếu nại do không kiềm chế được đã có những ngôn ngữ, hành xử thái quá, thậm chí mắng nhiếc, lăng mạ những người đứng ra giải quyết.

Từng làm Phó Chủ tịch tỉnh “chuyên trách” về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước, rất chia sẻ với đại biểu Dương Hiền, bởi qua những lần tiếp xúc giải quyết khiếu nại ông không ít lần chứng kiến bà con do bức xúc đã “lạm dụng” ngôn ngữ chửi bới. Thậm chí, thực tế trong giải quyết khiếu nại đã từng có trường hợp xảy ra xung đột, trong khi cơ quan công an ở xa, gọi được đến thì đã muộn.

Từ thực tế trên, ông Ksor Phước đề nghị quy định rõ trong luật về việc đảm bảo trật tự, văn hóa tại nơi tiếp xúc công dân. Thêm nữa, cần quy định cụ thể về địa chỉ tiếp công dân để tránh việc mỗi tỉnh ứng biến theo cách riêng.

Về vấn đề xử lý những người quá khích, đại biểu Dương Hiền đề nghị, trong một số trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ông Hiền, không thể chấp nhận việc người khiếu nại đến nơi giải quyết khiếu nại chửi mắng tục tĩu, nhảy lên bàn ghế…  
Không nên “cự tuyệt” hình thức khiếu nại đông người - 1
Ông Ksor Phước (phải) đề nghị đưa vào luật vấn đề giải quyết khiếu nại đông người (Ảnh: Việt Hưng)

Chuyển sang vấn đề khiếu nại đông người, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, việc này không còn là cá biệt mà đã diễn ra khắp nơi. Theo ông Ksor Phước dù có không chấp nhận khiếu nại đông người thì thực tế vẫn đang diễn ra như vậy.

“Luật nên đối mặt với khiếu nại đông người. Ta tránh khiếu nại đông người là muốn thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, nhưng nhà nước là vì dân”, ông Ksor Phước phân tích.

Theo ông Ksor Phước cần ghi rõ trong luật, nếu có khiếu nại đông người phải có các bước giải quyết như thế nào. Ông gợi ý, cơ quan giải quyết khiếu nại có thể mời một số người đại diện đến làm việc.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng cho rằng “chẳng có lý do gì để cự tuyệt khiếu nại đông người”. Theo ông Thuyết, nếu không thụ lý đơn tập thể về một việc liên quan đến nhiều người, mỗi người sẽ nộp một đơn, việc giải quyết sẽ cồng kềnh, khó khăn. Lấy dẫn chứng từ lá đơn kiến nghị về bô xít với 2.000 chữ ký, nếu không giải quyết, mỗi người làm một đơn sẽ làm công việc của người có trách nhiệm trở nên phức tạp.

Ông Thuyết đề xuất, trong luật nên quy định, khiếu nại từ 10 người trở lên, cần cử người đại diện đứng ra làm việc với cơ quan giải quyết.

Chuyển sang vấn đề tổng thể của dự thảo luật, đại biểu Thuyết cho rằng, những quy định được soạn thảo chỉ giải quyết khiếu nại hành chính, không giải quyết được khiếu nại tổ chức sự nghiệp, khiếu nại doanh nghiệp. Theo ông Thuyết, nếu phải làm thêm các luật để giải quyết các vấn đề này sẽ rất… mệt.

Chưa hết, theo ông Thuyết, các quy định trong dự thảo luật cũng còn lủng củng, không rõ ai đứng ra giải quyết. “Luật phải kỹ hơn, không chung chung như hiện nay”, ông Thuyết đề nghị.

Quay trở lại thực trạng giải quyết khiếu nại hiện nay, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thực tế đang “vấp” nhiều khó khăn. Rất nhiều trường hợp người khiếu nại không bằng lòng với cách giải quyết đã đứng ra kiện người giải quyết.

Ông Thuyết dẫn chứng, mới đây lãnh đạo Quốc hội giao cho UB Kinh tế của Quốc hội giải quyết một vụ việc, nhưng một Phó Chủ nhiệm của UB này đã bị kiện sau khi giải quyết. Quốc hội tiếp tục giao vụ việc cho một Trưởng ban của Quốc hội và người này lại... bị kiện.

Cấn Cường