1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Không thể chấp nhận một đại biểu thiếu trung thực”

(Dân trí) - “Không thể tự bỏ Đảng, không khai báo mà vẫn khẳng định mình trung thực. Nhân dân làm sao chấp nhận một đại biểu như vậy” - Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương “bác” lý lẽ của đại biểu Hoàng Yến về việc không khai lý lịch đã từng là Đảng viên.

Bên lề phiên họp UB Thường vụ QH thứ 7 chiều nay, 18/4, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trao đổi thẳng thắn với báo chí về vấn đề xét lại tư cách, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến.
 
“Không thể chấp nhận một đại biểu thiếu trung thực”
Trưởng ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ QH Nguyễn Thị Nương.

Bà Yến có thể tự… xin rút vai trò ĐBQH

Sáng nay, UB TƯ MTTQ Việt Nam đã họp và thống nhất ý kiến đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Hôm qua, cuộc họp của MTTQ tỉnh Long An cũng cho kết quả tương tự. Hướng xử lý của UB Thường vụ QH, Ban công tác đại biểu khi nhận những bản báo cáo, kiến nghị của các cơ quan này?

Ủy ban Thường vụ QH sẽ có cuộc họp tổng hợp lại kết quả ý kiến của UB MTTQ tỉnh Long An và UB TƯ MTTQ Việt Nam. Các vị ủy viên của UB Thường vụ sẽ phân tích, đánh giá xem xét lại vấn đề một lần nữa để quyết định có trình việc này ra QH trong kỳ họp thứ 3 (khai mạc cuối tháng 5 tới - PV) hay chưa.

Vậy khi nào UB Thường vụ QH sẽ họp về việc này, thưa bà?

Thường vụ dự kiến sẽ họp, bàn về việc này tại phiên họp thứ 8 vào đầu tháng 5 tới đây.

Việc cả 2 cấp UB MTTQ về vấn đề của bà Yến sẽ được dùng làm căn cứ cho quyết định của UB Thường vụ QH?

Đó là quyết định quan trọng và có tính pháp lý vững chắc nhất để UB Thường vụ đi đến quyết định cuối cùng.

Nếu Thường vụ QH thống nhất đưa vấn đề bà Yến ra để QH quyết vào kỳ họp thứ 3 tới, việc này sẽ tiến hành vào thời điểm nào của kỳ họp?

Việc này có thể tiến hành ngay đầu kỳ họp.

Trong trường hợp UB Thường vụ thống nhất trình QH xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến, quy trình tiến hành cụ thể thế nào?

Việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH sẽ tiến hành theo điều 56 Luật Tổ chức QH. QH đã có tiền lệ bãi nhiệm ĐBQH nhưng mỗi trường hợp đều khác và căn cứ vào mức độ vi phạm của đại biểu đó để QH thảo luận và xem xét cho đại biểu tự rút lui hoặc QH biểu quyết bãi nhiệm. Một ĐBQH có thể tự rút lui khi sức khỏe, năng lực yếu, không đủ điều kiện đảm nhận trách nhiệm người đại biểu của dân…

Đã “triệu tập” nhưng đại biểu không ra

Trực tiếp tham dự cuộc họp của UB TƯ MTTQ Việt Nam bàn về việc của bà Yến sáng nay, bà thấy ý kiến nào xác đáng và phản ánh đúng tâm tư nguyên vọng của nhân dân?

Tôi thấy các cụ, các vị trong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều rất đồng tình với việc bãi nhiệm một đại biểu mà tư cách không trung thực. Tất cả các cụ, các vị đều nhất trí bãi nhiệm, không ai có ý kiến khác.

Nhưng đến thời điểm này, bà Yến vẫn phản bác lại những “cáo buộc” về việc không trung thực khi kê khai lý lịch ứng cử với lập luận, không kê khai việc vào Đảng nhiều năm trước là vì đã tự ý bỏ Đảng. Theo bà Yến, không kê khai là sai quy định nhưng như vậy mới là trung thực với bản thân. Bà đánh giá thế nào về việc này?

Tôi nghĩ rằng đã là Đảng viên thì ra khỏi Đảng rồi vẫn phải khai. Đã trung thực thì thực tế thế nào phải khai thế đó. Không thể tự bỏ Đảng, không khai rồi khẳng định là trung thực. Bản chất vấn đề khác nhau hoàn toàn. Nhân dân làm sao chấp nhận một người đại biểu không trung thực như vậy.

Được biết, Ban Công tác đại biểu vừa qua cũng có động thái “cảnh báo” trước thông tin bà Yến tố giác có một người chồng đang bị truy nã toàn cầu?

Hôm trước chúng tôi có mời bà Yến làm việc nhưng đại biểu không ra gặp.

Đặt vấn đề “xử lý” đại biểu, đến thời điểm này, bản thân bà với tư cách Trưởng ban Công tác đại biểu, có cảm thấy áp lực?

Với tôi, đến lúc này không có áp lực nào và tôi cũng sẽ không để áp lực nào chèn vào chuyện này. Việc làm trong sạch bộ máy là rất cần thiết để Quốc hội thực sự trong sạch vững mạnh và đại biểu thực sự là người đại diện của nhân dân.

P.Thảo (ghi)