1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không thay đổi dự án khách sạn nhìn xuống công viên

(Dân trí) - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, nếu đặt vấn đề “giá như”, sẽ không có việc xây dựng khách sạn tại vị trí đã cấp phép. Theo ông Thịnh, đây là vấn đề có tính lịch sử và TP chủ trương tiếp tục thực hiện dự án.

Tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 13/12, đại diện của UBND TP Hà Nội đã trao đổi với các phóng viên về dự án khách sạn liên quan đến công viên Thống Nhất.

“Chúng tôi cũng lăn tăn”

Ông Nguyễn Minh Chung, Phó Tổng Giám đốc TCty Du lịch Hà Nội cho biết, những năm 80, đầu 90 các khách quốc tế chỉ ở trong các khách sạn của nhà nước. UBND TP Hà Nội cùng đối tác phía Thuỵ Điển đã xúc tiến một dự án khách sạn cho khách nước ngoài (trong đó có khách Thuỵ Điển), trình lên Hội đồng Bộ trưởng và đã được chấp thuận về nguyên tắc.

Năm 1991, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp phép đầu tư dự án xây dựng khách sạn (tại vị trí hiện nay) cho liên doanh giữa Cty du lịch Hà Nội và một Cty của Thuỵ Điển. Dự án được thiết kế trên diện tích 15.300 m2, nhưng khi triển khai lại không có đủ đất do không thể di dời hết 100 hộ dân phía đường Lê Duẩn.

Không thay đổi dự án khách sạn nhìn xuống công viên - 1
Ông Nguyễn Minh Chung: "Không có mục đích tư túi cá nhân cho bất kì ai".

Sau một thời gian dự án bị đình trệ, tháng 6/1996 Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã chỉ đạo các ban ngành xem xét việc có thể tiếp tục thực hiện hay phải thay đổi. Phía Thuỵ Điển và UBND TP Hà Nội sau đó thống nhất tiếp tục dự án và đến tháng 10/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có công văn chấp thuận.

Do không thể thực hiện việc di dời các hộ dân, năm 1997, Cty Du lịch Hà Nội và đối tác đã đề nghị và được UBND TP chấp thuận bàn giao cho liên doanh 10.300m2, thay vì 15.300m2.

Lí giải về việc chậm trễ thực hiện dự án những năm tiếp theo, ông Chung cho rằng, do phải thiết kế lại từ đầu nên đến tận năm 2003, các bộ hồ sơ mới được hình thành! Trong 3 năm tiếp theo, các bộ hồ sơ về cấp giấy sử dụng đất, phê duyệt qui hoạch, giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư… được hoàn thành.

Dự án được khởi công ngày 6/6/2008 và đến lúc này đã xong phần móng, đang hoàn thành tầng hầm.

Nói về vấn đề báo chí đề cập những ngày gần đây, ông Chung cho rằng: “Chúng tôi cũng lăn tăn như các đồng chí là làm sao có thể điều chỉnh được. Nhưng chúng ta đã tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, kí kết WTO… cho nên tất cả những kí kết từ 91 đến nay đều có hiệu lực”.

Ông Chung cũng khẳng định, không hề có mục đích tư túi cá nhân cho bất kì ai trong dự án này. Cũng theo ông, xem lại các dự án trước đây, có một số dự án được cấp phép còn ở vị trí đẹp hơn so với khách sạn trên!

Đất công viên hay đất công cộng?

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP, việc đặt vấn đề khách sạn nằm trong phạm vi đất của công viên không phải là mới mà đã được nói tới ngay từ khi đặt vấn đề xây khách sạn. Chính vì điều này đã có nhiều văn bản, thư từ đi lại giữa thành phố Hà Nội và HĐ Bộ trưởng, Chủ tịch HĐ Bộ trưởng lúc đó.

Xuất phát từ yêu cầu về đầu tư trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn do bị cấm vận những năm đó, cũng như sự trân trọng việc Cty của Thuỵ Điển vào đầu tư nên chúng ta đã tạo mọi điều kiện để thực hiện dự án.

“Trong bối cảnh như vậy mới có vị trí này, còn nếu chúng ta đặt vấn đề “giá như bây giờ” thì sẽ khác, chắc chắn không phải ở đây nữa”, ông Thịnh phân tích.

Không thay đổi dự án khách sạn nhìn xuống công viên - 2
Khách sạn sẽ đẹp, còn công viên sẽ thiệt?!

Với vấn đề khách sạn có nằm trong công viên hay không, ông Thịnh cũng đã đưa ra nhiều giải thích. Năm 1998, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chung của Hà Nội đến 2020, trong đó có khoanh vùng công viên Thống Nhất để xây dựng công viên, với tỉ lệ nhỏ, có tính định hướng.

Năm 2000, Hà Nội phê duyệt qui hoạch chi tiết của quận Hai Bà Trưng, tỉ lệ 1/2.000. Cho đến thời điểm này Hà Nội chưa có qui hoạch công viên Thống Nhất, nhưng theo ông Thịnh, qui hoạch quận Hai Bà Trưng khẳng định, khu đất xây khách sạn thuộc đất công cộng, không phải đất công viên.

 “Mảnh đất xây khách sạn là đất công viên hay như thế nào, đó là trước đây. Đến sau qui hoạch chi tiết quận Hai Bà Trưng, đó là đất công cộng”, ông Thịnh khẳng định.

Ông Thịnh cho biết, sau khi xem xét tất cả các ý kiến, Thường trực UBND TP Hà Nội đã chủ trương tiếp tục thực hiện dự án.
 
Cấn Cường