Xén đất công viên xây khách sạn - cắt “phổi” để kinh doanh!
(Dân trí) - Lớp thanh niên đã từng chung tay vét hồ, đắp đảo xây dựng công viên Thống Nhất (Hà Nội) nuối tiếc trước sự “mất mát” của khung cảnh xanh khoáng đạt ở đây. Lớp trẻ ngày nay cũng không giấu bức xúc trước việc đất công viên mỗi lúc bị xén dần…
Công viên không… tròn trĩnh
Chọn một chiếc ghế đá nhìn ra khoảng bồn hoa trước mặt khu đất quây tôn, nheo mắt vì nắng chiều ấm áp, ông Trương Bách Thiện (nhà ở phố Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) chăm chú ngắm cặp cô dâu chú rể đang chụp ảnh cưới bên đường ray tàu điện chạy quanh công viên. Mái tóc trắng cước, ông Thiện trầm ngâm: “Nếu không có hàng rào tôn, dãy bụt mọc chạy ven con đường không chết úa sẽ có thêm bối cảnh hàng cây mùa xuân trổ lộc xanh mướt. Những năm trước, các đám chụp ảnh đều chọn cảnh đó”.
Chỉ về khu khách sạn Novotel Hanoi on the Park đang xây, ông Thiện không ngần ngại “kết án”, rõ ràng là hành động lấy đất công viên. “Chật chội, ô nhiễm, đầy áp lực - thành phố đã thừa bức bối rồi trong khi những khoảng xanh như này đếm được bao nhiêu mà còn cắt xây khách sạn? Không hợp lý chút nào!” - ông Thiện bức xúc.
Bị bệnh tiểu đường từ lâu, ông Thiện phân trần, nếu không có công viên Thống Nhất này, ông đã đầu hàng bệnh tật từ lâu. Và nếu không có công viên này, sẽ thêm rất nhiều người thành phố sinh ốm, ông già ngoài 80 quả quyết.
Cũng góp sức lao động công ích, cải tạo công viên năm 1957-1959, bác Nguyễn Hồng Khánh (ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, Đống Đa) cho biết bác từng tham gia nhóm thanh niên đầu tiên đào đất đắp lên đảo Hoà Bình.
Năm 1960 công viên Thống Nhất hoàn thành. Những năm 1962-1963 hàng rào quanh công viên bao suốt cả dọc đường Trần Nhân Tông, Lê Duẩn bây giờ, không có rạp xiếc cũng chẳng có khu dân cư và càng không có… khách sạn.
Thêm gần 1 hecta đất công viên chuẩn bị biến thành khách sạn, bác Khánh thấy xót xa, buồn tiếc cho công sức của chính mình và cả một thế hệ thanh niên khi ấy, hồ hởi, chung tay để tạo nên một khoảng xanh bình yên, quý giá cho thành phố.
“Gần 10 năm nay ngày nào cũng có mặt ở đây, chứng kiến cảnh công viên cứ tồi tàn đi, mất dần đi chứ không thêm được gì. Công viên đáng ra phải thoáng đãng, phải tròn trĩnh chứ làm thế này khác nào bóp méo một không gian đẹp đã phải dày công để xây dựng” - bác Khánh cười buồn khi ngước nhìn khoảng không phía bên trên khu tường rào khách sạn “Novetel on the park” sẽ mọc lên nay mai.
Tiền lệ khách sạn “ăn” đất công viên?
Thời gian gắn bó với công viên Thống Nhất không tính bằng năm, bằng chục năm như các bác các cụ, Đức Anh (sinh viên năm thứ nhất ĐH Bách khoa Hà Nội) mới khoảng 7-8 tháng nay hàng ngày vào đây tập thể dục, sau khi “cày” xong kỳ thi cuối cấp phổ thông. Dù vậy, cậu cũng rất quan tâm việc sắp có một khách sạn “mở cửa” ra công viên.
Nửa năm trước, khi lớp rào tôn sắt dựng lên cắt một góc công viên, sát đường chạy thể dục thường xuyên của mình, Đức Anh cảm thấy khá… hẫng.
Đức Anh cho biết, khoảng trống ở góc công viên, từ hành lang giảng đường của mình nhìn sang công viên cũng có thể cảm thấy độ hụt. Từ trên cao, cả công viên như một khoảng rừng bát ngát chợt “lẹm một góc” với nóc rạp xiếc, nóc nhà cao tầng…
“Thành phố còn rất nhiều chỗ, nhất là sau khi mở rộng, không thiếu nơi để xây khách sạn hay làm khu vui chơi… Tại sao phải cắt đất công viên để làm những việc này? Người dân cũng cần thêm công viên chứ không phải khách sạn 4-5 sao, nếu không làm được thì cũng xin để công viên được trọn vẹn, chỉ cần trồng thêm cây ở khoảng đất đó đã là quá tốt” - cậu sinh viên 20 tuổi thẳng thắn trao đổi.
Tiếp cận vấn đề từ những khía cạnh rất thực tế, lớp công dân trẻ, dù khó tưởng tượng cảnh lao động công ích để xây dựng công viên lớn nhất thành phố của cha ông, cũng đều có phản ứng tự nhiên về một dự án biến đất công viên thành nhà tầng, khách sạn.
Trần Thị Vân (Phố Huế, 24 tuổi, nhân viên văn phòng) nêu nhận xét đầu tiên: “Có một khách sạn mọc lên ở đây, ít nhất là hạn chế, che phủ một phần khoảng không, không gian xanh thuần tuý của công viên”. Cô gái trẻ cho rằng, ai cũng biết, công viên Thống Nhất là lá phổi của thành phố. Có ai lại đi chọn giải pháp cắt bớt một phần lá phổi của mình để làm khách sạn, phục vụ mục đích kinh doanh?
Từ phố bước vào đến công viên, với Vân là một cảm giác khác hẳn, “nhẹ lòng”, một không gian trong lành hơn bất cứ chỗ nào của thành phố. Dù công việc đòi hỏi đúng giờ, vẫn 2 lần/ngày, sáng sớm và cuối buổi chiều cô gái trẻ tới đây tập thể dục.
Trước khi góc công viên được quây lại, Vân và nhiều người vẫn đi bộ qua khu vực này vì con đường nhỏ qua đây gần như đường bao, vòng theo đường tàu điện chạy quanh công viên. Một thời gian, nước thải từ công trường thi công dềnh lên, lấp kín một đoạn đường, chảy xuống ứ cả một khoảng hồ, mọi người phải chuyển hướng khác, đi tắt qua một cây cầu, cắt mặt đoạn đường lầy.
Những người trẻ hiện nay cùng với thế hệ thanh niên xây nên công viên này 40 năm trước không ngần ngại đưa ra ý kiến của mình. Tất cả vẫn nuôi một hi vọng, thành phố có thể xem xét lại nguyện vọng của đa phần người dân bảo vệ, giữ gìn trọn vẹn không gian xanh quý giá của mình.
Phương Thảo - Kim Tân