1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không phải lãnh đạo Hà Nội chạy theo dư luận”

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, có những vấn đề thành phố đã điều chỉnh, thay đổi sau khi dư luận có ý kiến, nhưng đó không phải là chạy theo dư luận mà là sự lắng nghe và dũng cảm của thành phố.

Tại buổi gặp gỡ báo chí nhân dịp đầu xuân mới chiều 21/1, Bí thư Phạm Quang Nghị tâm sự, vừa qua có phóng viên đã đặt vấn đề với ông xung quanh việc thời gian qua thành phố thay đổi, điều chỉnh không ít những quyết định sau khi dư luận có ý kiến. Từ đó đặt câu hỏi, phải chăng lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chạy theo dư luận, nghe theo dư luận?

Đáp lại, ông Nghị cho rằng, việc thành phố làm như vậy không phải là chạy theo dư luận mà thể hiện sự lắng nghe. “Nếu dư luận góp ý đúng thì việc điều chỉnh của thành phố là việc nên làm và như vậy phải nói là sự dũng cảm mới đúng”, ông Nghị nhấn mạnh.
 
“Không phải lãnh đạo Hà Nội chạy theo dư luận” - 1
Ông Phạm Quang Nghị: "sự thay đổi của thành phố là dũng cảm"

Cũng tại buổi gặp mặt, Bí thư Hà Nội đã chia sẻ với báo chí về những quyết định “không đơn giản” của thành phố trong năm qua. Đơn cử như việc bắn pháo hoa, quyết định dừng bắn tại 29 điểm trong dịp 10/10, lãnh đạo thành phố đã phải bàn tới… 4 lần.

“Thời điểm ấy bắn nơi nào, không bắn nơi nào không đơn thuần là kinh tế. Miền Trung ngập lụt như thế mình có nỡ hò reo quá lớn không?... Bắn khắp nơi cũng không được, không bắn nơi nào cũng không được”, ông Nghị nói.

Bàn đi tính lại, thành phố mới quyết định bớt bắn pháo hoa tại 29 điểm, nhưng sau đêm 10/10 (đêm bắn pháo hoa duy nhất tại Mỹ Đình) cũng có những ý kiến đặt lại vấn đề, sao thành phố không bắn tại 5 điểm cho lượng người đỡ tập trung đông, tránh việc tắc nghẽn như đã xảy ra.

Tuy nhiên, theo ông Nghị, “giả dụ” thành phố bắn tại 5 điểm, phải chăng là bắn ở xung quanh Hà Nội. Như vậy người dân ở các vùng xa trung tâm sẽ ý kiến như thế nào, nhất là các vùng của Hà Tây cũ liệu có chạnh lòng?

Ông Nghị “chốt” lại, việc lắng nghe dư luận dẫn tới những quyết định tốt hơn, nhiều ưu điểm hơn, nhưng không có nghĩa là không còn điều này, điều khác.  Đó chính là sự đa dạng của xã hội.

Chuyển sang vấn đề đã làm trong dịp chuẩn bị Đại lễ và sẽ tiếp tục phải làm là hạ cáp ngầm, ông Nghị cho rằng, để chôn được cáp phải đào lên, phải ngổn ngang, nhưng thời điểm Hà Nội làm trước Đại lễ cũng có người hoan nghênh, người chia sẻ, người phê phán gay gắt. Tuy nhiên, theo ông Nghị, những việc như vậy nên vì cái chung và cần động viên những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

“Còn những chỗ nào làm ẩu, làm dối, làm chây ỳ, khó thêm cho dân thì các đồng chí cứ phê phán thật lực. Trên thực tế chúng tôi rất lắng nghe và điều chỉnh những việc như vậy.”, ông Nghị nói tiếp.

Đánh giá lại năm 2010 của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, đây là năm khởi đầu với nhiều lo lắng, nhưng cuối năm nhìn lại, điều mừng là chủ yếu. Một trong những điều tâm đắc được ông Nghị nới tới là điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương về các sự kiện quan trọng được nhân dân chủ ý trong năm mới đây cho kết quả, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội là sự kiện số 1.

Kết thúc bài phát biểu, ông Phạm Quang Nghị mong mỏi, việc đúng, tốt của thành phố được báo chí ủng hộ, hoan nghênh, còn việc chưa đúng, chưa tốt hoặc còn ý kiến khác nhau, báo chí cũng lên tiếng để thành phố biết được.

“Nếu có điều gì có thể làm tốt hơn mà chúng tôi chưa biết tới, chưa nghĩ ra, đặc biệt là làm như thế nào cho tốt với các vấn đề từ kinh tế đến xã hội … mong các cơ quan báo chí ủng hộ, góp ý cho Hà Nội”, ông Nghị bày tỏ.

Cấn Cường