Không “ngại” chất vấn Thủ tướng
(Dân trí) - Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội cho biết bà đã gửi câu hỏi chất vấn tới Thủ tướng. Với “kinh nghiệm” chất vấn Thủ tướng ở những kì họp trước, bà nói không có cảm giác “lúng túng” khi đặt ra câu hỏi với người đứng đầu Chính phủ.
>> Thủ tướng sẵn sàng trả lời chất vấn
Tại kì họp này bà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ những vấn đề gì?
Kì họp này tôi đã gửi câu hỏi chất vấn đến Chính phủ và 4 Bộ trưởng. Đó là những câu hỏi về các vấn đề: Lao động làm thuê giúp việc gia đình, chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở - cấp xã, phòng chống tội phạm ngay tại cơ sở, giáo dục pháp luật cho phụ nữ và cơ chế chính sách để cho Hà Nội có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Có những vấn đề bà đặt ra có tầm cao hơn Bộ trưởng, vậy bà có chất vấn Thủ tướng không?
Có! Riêng đối với Chính phủ, tôi chất vấn hai việc. Một là vấn đề giáo dục pháp luật cho phụ nữ. Bây giờ chỉ nói giao cho Bộ nào cũng không được mà phải là Chính phủ.
Tình trạng phụ nữ bị bán ra nước ngoài, phụ nữ bị môi giới hôn nhân bất hợp pháp, phụ nữ bị bạo lực trong gia đình, phụ nữ bị người xấu kích động khiếu kiện sai... là những vấn đề do phụ nữ không hiểu pháp luật. Thậm chí có những người mẹ mang con mình bán cho nhà chứa hoặc là đưa vào những nơi rất phức tạp như vừa rồi chúng ta thấy.
Tôi cũng thấy những năm qua, nhiều cơ quan đã làm vấn đề này, ngay bản thân hội phụ nữ các cấp cũng rất quan tâm làm nhưng nó vẫn chưa vào, mà tình hình này càng ngày càng bức xúc hơn.
Vấn đề thứ hai là cơ chế chính sách đặc thù để cho Hà Nội thực hiện những công trình, dự án, nhất là các công trình giao thông.
Nhiều người cho rằng, khi chất vấn các Bộ trưởng, khẩu khí các đại biểu rất có “lửa”, nhưng khi chất vấn Thủ tướng thì khẩu khí lại dè dặt hơn. Bà nói gì về điều này?
Tôi nghĩ rằng, tuỳ từng đại biểu do họ nhận thức thế nào thôi chứ còn tôi nghĩ cơ bản là không có gì khác nhau.
Tức là bà không lúng túng khi chất vấn Thủ tướng?
Không! Từ nhiệm kì trước tôi đã chất vấn Thủ tướng mấy lần. Thậm chí, có lần Thủ tướng nói, tại sao đồng chí lại chất vấn tôi, những việc này là của các Bộ chứ. Tôi bảo “không, việc này là của Thủ tướng chứ”.
Tôi đã từng nói thế và sau đó các công việc giải quyết rất tốt.
Trong trường hợp Thủ tướng trả lời chưa dứt điểm, bà có “theo đuổi” đến cùng?
Đương nhiên rồi! Như các bạn thấy, lần này không khí Quốc hội khác hơn kì trước, đúng không? Rất nhiều đại biểu rất hăng hái. Có được cái này là do ngay từ sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao vai trò của Quốc hội rồi mỗi đại biểu Quốc hội cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trước cử tri.
Trong các phiên chất vấn, khi đại biểu “truy” mạnh, Bộ trưởng thường có bài “tôi xin nhận trách nhiệm” để hạ nhiệt, nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đó. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Không! Cá nhân tôi thì tôi lại không nhận thấy như thế. Nếu Bộ trưởng nào nói như thế mà vào câu hỏi chất vấn của tôi thì chắc chắn vấn đề đó tiếp tục phải giải quyết. Còn ai đó đang chất vấn mà đến lúc nào đó Bộ trưởng nói thế, nếu đại biểu thấy trả lời thoả đáng rồi thì thôi, còn nếu chưa thì vẫn phải tiếp tục thôi.
Tôi nghĩ im lúc đó chẳng qua vì thời gian còn phải dành cho người khác cho nên có thể tạm thời ngừng ở đó. Không có nghĩa phải giải quyết đến cùng ở đó mà phải về cơ quan chỉ đạo các bộ phận giải quyết.
Theo dự kiến thì giữa kì này Chính phủ sẽ có báo cáo về vụ sập cầu Cần Thơ, nhưng đến lúc này chưa có và nếu đến cuối kì họp vẫn chưa có thì bà có chất vấn không?
Tôi nghĩ rằng, chắc chắn nếu Chính phủ vẫn chưa có ý kiến một cách thoả đáng thì không phải chỉ tôi mà chắc nhiều đại biểu cũng sẽ có ý kiến. Vừa rồi Chính phủ đã thành lập Ủy ban Nhà nước và đang xem xét những vấn đề đặt ra của vụ sập cầu.
Tôi nghĩ, khi báo chí đưa tin vấn đề cầu Cần Thơ đã gây xúc động lớn trong nhân dân. Chính phủ, các bộ ngành chắc chắn cũng rất tập trung vào vấn đề này.
Theo bà, với hai ngày rưỡi dành cho chất vấn, liệu có “đủ” không?
Với không khí làm việc hiện nay của Quốc hội thì tăng thêm được vẫn tốt hơn.
Xin cảm ơn bà!
Mạnh Cường
(Thực hiện)