1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không nên ưu đãi cho sân golf, khu đô thị ở khu kinh tế Vân Phong

Quang Phong

(Dân trí) - Đồng ý có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, không nên đưa các chính sách ưu đãi cho sân gofl, khu đô thị vào khu kinh tế Vân Phong.

Chiều 24/5, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đồng ý có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) dành thời gian góp ý về chính sách ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong.

Theo ông Hòa, không nên đưa các chính sách ưu đãi với các lĩnh vực đầu tư không thiết yếu như sân golf, khu đô thị, trung tâm thương mại vào khu kinh tế Vân Phong. Đại biểu Hòa nêu ví dụ, nếu có chính sách ưu đãi cho đầu tư vào sân golf không khéo nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế rồi lại đem bán đất để thu lời.

"Là nhà đầu tư chiến lược nhưng nếu dự án không trong diện Chính phủ ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi, dù thí điểm cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa", đại biểu Hòa nói. 

Không nên ưu đãi cho sân golf, khu đô thị ở khu kinh tế Vân Phong - 1

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, không nên ưu đãi cho sân golf, khu đô thị ở khu kinh tế Vân Phong.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, ngay cả khi không có chính sách ưu đãi thì việc đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Do vậy, ông Hiếu đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn để tăng tính thuyết phục, vì nguồn lực đầu tư có hạn, nên chắt chiu để tăng thu hút vào lĩnh vực, ngành nghề đúng và trúng.

Về vấn đề này, khi thẩm tra một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, một số thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị chưa quy định chính sách đầu tư cho xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong khu kinh tế Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Một vấn đề nữa, theo dự thảo nghị quyết, nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong 3 - 5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, thời hạn đưa ra như vậy là quá ngắn, dễ dẫn tới hệ lụy nhà đầu tư không đầu tư thực mà chỉ có ý định "chiếm đất, bán sang tay lại". Từ đó, đề nghị thời hạn cấm chuyển nhượng dự án nên dài hơn và có chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm. 

Phát biểu trong thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, khi thiết kế các cơ chế chính sách, dự thảo quy định rất chặt chẽ như thực hiện chuẩn bị thu hồi đất thì lập đề án thế nào, HĐND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền… Rồi khuyến cáo truyền thông cho tốt, để tránh tình trạng vừa bắt đầu kiểm đếm, đo vẽ thì giá đất tăng. "Van, khóa trong đây cũng nhiều lắm, dự thảo nghị quyết quy định chặt chẽ chứ không làm tùy tiện được đâu", Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Hay với cơ chế tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã có nghị quyết cho thí điểm. Và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội lần này cũng quy định "rất chặt chẽ" là phải có quyết định phê chuẩn dự án, tức là có dự án "mẹ" rồi thì mới được tách dự án độc lập để làm trước. 

"Không phải dự án nào cũng được tách. Việc tách dự án nào thì HĐND phải làm chặt chẽ để tránh những mặt trái của nó, vì chính sách bao giờ cũng có 2 mặt" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Cũng trong thảo luận tổ, có đại biểu cho rằng, cơ chế, chính sách đặc thù được nhiều địa phương mong muốn. Từ đó, đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, nếu không mang tính đặc thù thì nên áp dụng chung để tạo sự lan tỏa trong cả nước.

Trước ý kiến trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điều này rất đáng suy nghĩ. Bởi nếu 10 tỉnh xin cơ chế chính sách như vậy thì trở thành phổ biến, không còn là đặc thù nữa rồi.

"Chính phủ đang phân công nhau để quản lý từng lĩnh vực một, liên quan quản lý đất đai, quản lý nông nghiệp, quản lý rừng. Làm sao Trung ương thực hiện đúng quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch; tăng cường kiểm tra giám sát; phân cấp phân quyền... Chúng ta phải suy nghĩ cái này!" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khánh Hòa có vị trí "hết sức quan trọng" khi vừa kết nối với các tỉnh, với Tây Nguyên, vừa có cảng Cam Ranh và vịnh Vân Phong. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 09, trong đó có nêu, Khánh Hòa phải trở thành một trong những hình mẫu hết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh. 

Dự thảo nghị quyết thiết kế 10 cơ chế, chính sách. Bên cạnh 6 cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như các địa phương khác vừa được Quốc hội cho phép thực hiện thì có 4 cơ chế, chính sách mới.

Đó là, chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.