1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không nên để lãnh đạo các Bộ tham gia vào Tập đoàn”

(Dân trí) - Các Thứ trưởng chỉ nên thực hiện quản lí nhà nước, không cần tham gia HĐQT tại các Tập đoàn như hiện nay là đề nghị của Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trong buổi thảo luận về báo cáo giám sát Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước.

“Không nên để lãnh đạo các Bộ tham gia vào Tập đoàn” - 1
Các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đóng góp tới 40% GDP nhưng vẫn có nhiều tồn tại cần điều chỉnh (Ảnh: VietNamnet)
 
“Số liệu không bao giờ đúng”
 
Theo báo cáo giám sát do Trưởng đoàn Hà Văn Hiền (Chủ nhiệm UB Kinh tế) đọc tại Thường vụ Quốc hội sáng 13/8, đa số các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã hoạt động có hiệu quả, kinh doanh có lãi, các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức độ khác nhau, có Tập đoàn, Tổng Công ty đạt hiệu quả rất cao, có đơn vị lại đạt hiệu quả rất thấp.
 
Cũng theo ông Hiền, nếu phân tích một cách chi tiết, bóc tách và và so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác như các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước nói chung, tại các Tập đoàn, Tổng Công ty nói riêng còn thấp, chưa tương xứng với qui mô và vai trò trong nền kinh tế.
 

Trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các Tập đoàn, Tổng Công ty đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).

Thảo luận về báo cáo, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, ông chưa “yên tâm” với những thành quả mà các Tập đoàn đạt được.
 
Bởi lẽ, hiệu quả đầu tư trên vốn của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước chưa cao, hệ số ICOR (hệ số đầu tư trên tăng trưởng) năm sau cao hơn năm trước. Đáng nói nữa, theo ông Thuận, chưa thấy Chính phủ thừa nhận thực tế đó cũng như việc đặt mục tiêu hạ thấp ICO.
 
Với các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, ông Thuận đặt vấn đề, đoàn giám sát đã xem xét sổ sách, xem lương thưởng chia thế nào.“Liệu có tình trạng lãi thì hưởng, lỗ nhà nước chịu và liệu có phải cho phá sản mới mạnh hơn được hay không?”, ông Thuận đề nghị.
 
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng dù đánh giá cao vai trò của Tập đoàn, nhất là trong bối cảnh suy thoái, lạm phát, nhưng cũng đề nghị làm rõ nhiều vấn đề. Theo ông Hiển, lỗ lãi trong kinh doanh là bình thường nhưng phải xem xét những doanh nghiệp lỗ liên tục và lỗ có lũy kế lớn.
 
Với các Tập đoàn, Tổng Công ty có vốn tăng trưởng, ông Hiền đề nghị phân tích rõ hơn theo hướng tăng trưởng từ sức mạnh kinh doanh, từ lợi nhuận hay chỉ đơn thuần do bán tài sản nhà nước. Đánh giá về lợi nhuận chung, ông Hiển cũng cho rằng lợi nhuận trên vốn chỉ dưới 5% đến 15% là thấp.
 
Không đi vào chuyện lỗ lãi của các Tập đoàn, Tổng Công ty, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chỉ bận tâm đến tình trạng “số liệu không bao giờ đúng”. Dẫn chứng đã được đề cập ngay trong báo cáo, đầu tư vào chứng khoán của các Tập đoàn, Tổng Công ty có tới 3 con số khác nhau từ 3 cơ quan và chênh nhau rất lớn.
 
“Số liệu không đúng thì đánh giá không đúng tình hình và như vậy thì không biết kiến nghị dựa trên cơ sở nào”, ông Vượng lo ngại.
 
Cần tính đến cơ chế quản lí khác
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn góp ý, báo cáo giám sát cần tỏ rõ chính kiến việc đầu tư ra các lĩnh vực bên ngoài của các Tập đoàn đúng hay không đúng. Phát biểu trước đó, ông Phùng Quốc Hiển cũng đề cập tới khía cạnh này, nhất là việc đầu tư vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản.
 
Cùng đó, theo ông Hiển, phải chỉ ra những yếu kém trong quản lí Tập đoàn hiện nay, đặc biệt nên có những kiến nghị, các Tập đoàn sẽ phát triển theo xu thế nào và giải pháp quản lí nào cho phù hợp.
 
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, phải có sự thay đổi trong quản lí của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhất là việc tham gia của các Thứ trưởng vào HĐQT của các doanh nghiệp này.
 
Ông Thuận đặt vấn đề, Tổng Giám đốc các Tập đoàn đều do Thủ tướng bổ nhiệm và đều là đảng viên, người nhà nước, liệu có cần phải có hai cơ chế như hiện nay. “Thứ trưởng phải thực hiện quản lí nhà nước, cần gì phải tham gia HĐQT tại các tập đoàn”, ông Thuận phân tích.
 
Từ đó, Chủ nhiệm UB Pháp luật đề nghị, cần tính xem có thể áp dụng cơ chế quản lí nào khác. Theo ông Thuận, chỉ trong trường hợp thuê Tổng Giám đốc người nước ngoài hoặc tư nhân, HĐQT mới có giá trị…
 
Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chuyên đề giám sát Tập đoàn rất hay và đề nghị nâng bản báo cáo lên một tầm mới, có sức lay động.
 
Ông Trọng đề nghị làm rõ, nền kinh tế đã theo xu hướng thị trường đến đâu, vai trò quản lí nhà nước thông qua các Tập đoàn đã được thực hiện như thế nào và phải làm sao để Tập đoàn nắm giữ được vai trò chủ đạo.
 
Cấn Cường