1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không nên cắt đứt quan hệ giữa cha mẹ đẻ với con cho làm con nuôi

(Dân trí) - Nhiều ý kiến tại Thường vụ Quốc hội chưa đồng tình với việc phân chia thành hai hình thức nuôi con nuôi, cũng như chưa tán thành qui định chấm dứt hoàn toàn các quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ với con cho làm con nuôi...

Chiều 16/9, Uỷ ban Thường vụ quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Nuôi con nuôi.

Không nên làm chấm dứt mối quan hệ

Dự thảo luật Nuôi con nuôi qui định các vấn đề như nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về nuôi con nuôi, xử lý vi phạm...

Một điểm mới của Dự thảo luật là qui định về việc tăng cường nuôi con nuôi trong nước. Cụ thể, điều 15 qui định, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ em trong thời hạn 30 ngày.

Hết thời hạn này mà không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, thì gửi hồ sơ cho Bộ Tư pháp để thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Sau 30 ngày mà không có người trong nước nhận làm con nuôi, trẻ em mới được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài.
 
Không nên cắt đứt quan hệ giữa cha mẹ đẻ với con cho làm con nuôi - 1
Nhiều ý kiến cho rằng không nên chấm dứt quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ (Ảnh minh họa: P.Thảo)

Cũng theo dự thảo luật, người được nhận con nuôi phải đủ 15 tuổi trở xuống (trừ một số trường hợp đặc biệt). Người nhận con nuôi phải có điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.

Dự thảo luật còn qui định hai hình thức nuôi con nuôi là “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn”.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, hình thức “nuôi con nuôi đơn giản” không làm chấm dứt hoàn toàn các quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con được cho làm con nuôi. Tuy nhiên, nuôi con nuôi trọn vẹn sẽ làm chấm dứt hoàn toàn các quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ với con cho làm con nuôi, đồng thời con nuôi trọn vẹn ở trong nước được thay đổi dân tộc theo dân tộc cha, mẹ nuôi.

Nhiều ý kiến của Uỷ ban Thường vụ cho rằng, không nên chia tách hai hình thức nuôi con nuôi như dự thảo. Cùng đó, không nên làm chấm dứt quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ, bởi đó là nét văn hóa truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Với trường hợp pháp luật nước có cha mẹ nhận con nuôi qui định khác, sẽ căn cứ vào điều ước quốc tế.

Trẻ có quyền chọn cha mẹ nuôi

Liên quan đến việc cho - nhận con nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị không nên để các cơ sở nuôi dưỡng trẻ “ôm” cả 3 việc nuôi dưỡng, nhận tài trợ và giới thiệu con nuôi như hiện nay.

Quan điểm này được Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chia sẻ, bởi theo ông, nếu để 3 khâu trong một tổ chức sẽ dễ dẫn tới việc lợi dụng, làm nảy sinh tiêu cực. Ông Lưu đề xuất thành lập một hội đồng, trong đó có Sở Tư pháp - Sở LĐ-TB&XH, Hội Phụ nữ và hội đồng này có trách nhiệm trình Chủ tịch UBND tỉnh về các trường hợp cho, nhận con nuôi, còn Bộ Tư pháp chỉ thẩm định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, cần tôn trọng tâm tư trẻ em làm con nuôi. Ông Thi đề nghị luật có quy định để trẻ em được nói lên tiếng nói của chính mình.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ksor Phước cũng cho rằng, trong dự luật chưa đề cập đến quyền của người được nhận làm con nuôi. Theo ông Ksor Phước, người được nhận làm con nuôi cũng phải có quyền lựa chọn cha mẹ nuôi, trong trường hợp có nhiều người muốn nhận làm con nuôi.

Kim Tân