1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không khôi phục chức danh Kiến trúc sư trưởng

(Dân trí) - Với 89,25% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Qui hoạch đô thị. Theo đó, cả Hội đồng kiến trúc qui hoạch và Kiến trúc sư trưởng đều không được đưa vào luật do còn nhiều ý kiến trái chiều.

Như vậy, vấn đề Kiến trúc sư trưởng vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua đã có hồi kết.
 
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu đồng ý với dự thảo Luật đã trình Quốc hội để Chính phủ có căn cứ pháp lý ban hành các quy định cụ thể về việc thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng khi xét thấy cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý của từng thời kỳ.
 
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không tán thành vì cho rằng, Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng chỉ có chức năng tư vấn, không thuộc hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước, do đó không nên quy định vào Luật. Ngoài ra, việc thí điểm mô hình Kiến trúc sư trưởng tại Thành phố Hà Nội và TPHCM trong thời gian trước đây cho thấy hiệu quả chưa rõ.
 
Sau khi cân nhắc các loại ý kiến trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng vào dự thảo Luật.
 
Không khôi phục chức danh Kiến trúc sư trưởng - 1
Kiến trúc sư trưởng chỉ có trong... quá khứ! (Ảnh: MC).
 
Liên quan đến lấy ý kiến về qui hoạch đô thị, tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc nên lấy ý kiến rộng rãi với người dân trong khu vực có quy hoạch chi tiết và thực hiện theo Pháp lệnh dân chủ cơ sở, qui định trong luật đã được bổ sung như sau: Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
 
Về thời hạn quy hoạch đô thị (điều 25 đến điều 30 mới), có ý kiến đề nghị quy định thời hạn đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương phải là 50 năm và tầm nhìn 100 năm, quy hoạch chung thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã là 50 năm, quy hoạch chung đối với thị trấn phải từ 20 - 30 năm và tầm nhìn 50 năm.
 
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, trên cơ sở thực tế và xu thế phát triển rất nhanh của đô thị Việt Nam, việc quy định thời hạn quy hoạch đô thị từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm là đủ dài, phù hợp với sự thay đổi, vận động của các quan hệ kinh tế, xã hội, bảo đảm tính định hướng chiến lược, có tầm nhìn dài hạn và không bị lệ thuộc vào nhiệm kỳ của chính quyền các cấp nên sẽ tránh được tư duy nhiệm kỳ trong công tác quy hoạch.
 
Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định diện tích tối thiểu được phép xây dựng theo hướng thống nhất đối với từng loại đô thị, theo đó những diện tích đất còn lại nhỏ hơn quy định này sẽ bị thu hồi.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến đại biểu và chỉnh lí lại qui định như sau: Trong trường hợp dự án đầu tư chỉ sử dụng một phần của thửa đất, nếu diện tích còn lại quá nhỏ không đáp ứng yêu cầu về sử dụng hoặc ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan đô thị theo quy định của Chính phủ thì Nhà nước thu hồi và bồi thường cho người sử dụng đất”.
 
Về định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, có ý kiến đề nghị bổ sung một điều quy định về định hướng phát triển đô thị Việt Nam với nội dung: hạn chế phát triển loại siêu đô thị, phát triển đô thị xanh, ưu tiên bố trí không gian công cộng và sinh hoạt cộng đồng, ưu tiên không gian đô thị để phát triển các loại dịch vụ công cộng.
 
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã quy định về việc lập Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia (tại điều 17). Các nội dung hạn chế phát triển loại siêu đô thị, phát triển đô thị xanh là nội dung cụ thể đã được thể hiện trong Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia. Hơn nữa, những nội dung trên cũng đã được quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật... Vì thế, không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.
 
Cấn Cường