"Không khó truy xuất nguồn gốc đào, mai phục vụ Tết"
(Dân trí) - Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An vừa có công văn về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Chiều 26/1, lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, đã đề nghị UBND các huyện, thành, thị; Chi Cục kiểm lâm và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An nói rõ, thực hiện Công văn số 356/BNN-TCLN, ngày 18/1/2021, Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cụ thể: Việc khai thác cây đào và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật; Tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 152/CT-BNN-VP ngày 11/1/2021 của Bộ NN&PTNT; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 8/1/2021 của UBND tỉnh; chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương hướng dẫn người dân thực hiện việc khai thác, vận chuyển cây đào, cây mai và một số cây trồng khác ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình cá nhân tự bỏ vốn trồng theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Yêu cầu Chi Cục kiểm lâm Nghệ An chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện thường xuyên bám sát địa bàn, tham mưu tốt cho chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác truy xuất, xác định nguồn gốc cây đào, cây mai, và một số cây lâm nghiệp khác theo đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng chặt phá cây rừng trái phép.
Yêu cầu các chủ rừng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra đối với diện tích rừng được giao quản lý; phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Chiều 26/1, một cán bộ Chi Cục kiểm lâm Nghệ An cho PV Dân trí biết: "Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có các huyện như: Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương người dân đang trồng nhiều loại cây đào đá, đào mốc… Thông thường, hàng năm cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về người dân nơi đây lại cắt cành, hoặc đào nguyên cây để bán kiếm tiền tiêu Tết.
Do đó, việc truy xuất nguồn gốc cây đào phục vụ Tết Nguyên đán không gặp khó khăn. Có điều, người dân bây giờ đưa đào, mai đi bán đều được chính quyền địa phương chứng thực thì mới được đem ra thị trường".
Cũng theo cán bộ này, việc một số huyện trong rừng có cây mai mọc lên tự nhiên nhưng không nhiều và cũng ít người chơi. Việc truy xuất cây mai rừng cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc đào do người dân trồng, mua bán dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngày 26/1, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa có công văn về việc tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Theo đó, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến chỉ đạo giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan, tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao các ngành chức năng liên quan nghiên cứu nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để có biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo yêu cầu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, tuyệt đối không được gây khó khăn, không tạo thêm thủ tục hành chính, gây ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân theo quy định.
Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể:
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hằng năm của các ngành, các cấp và nhân dân ta, góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước.
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân, đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020. Trong đó, chú trọng các giải pháp:
- Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về Lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025; tổng hợp, báo cáo kế hoạch tổ chức thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi và phối hợp chỉ đạo.
- Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; quản lý suốt quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt....