1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Không khí sôi động của vòng thi Hackathon - Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam 2024

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Ngày 28/11, 8 cá nhân và nhóm tác giả xuất sắc nhất của Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam đã bước vào vòng thi Hackathon với hình thức online qua nền tảng Zoom.

Tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024, vòng Hackathon được tổ chức từ sáng sớm ngày 28/11 và kết thúc vào sáng sớm ngày 29/11. Các thí sinh chạy đua nước rút hoàn thiện ngay trong 24 tiếng với sự tham gia của đội ngũ cố vấn.

Không khí sôi động của vòng thi Hackathon - Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam 2024 - 1

Đội ngũ cố vấn và ban giám khảo của cuộc thi đều là các chuyên gia đầu ngành công nghệ và giao thông vận tải (Ảnh: BTC)

Hackathon còn được gọi là codefest, là sự kết hợp của hai từ "Hack" và "Marathon". Đây là một hình thức thi trong lĩnh vực lập trình, nơi mà các lập trình viên máy tính, chuyên gia trong ngành phát triển phần mềm như thiết kế đồ họa, quản lý dự án, thiết kế giao diện,… có thể hợp tác cùng nhau cải thiện hoặc xây dựng một chương trình phần mềm mới trong khoảng thời gian ngắn.

Năm nay, vòng Hackathon được tổ chức với hình thức online, các cố vấn và thí sinh kết nối trao đổi qua nền tảng Zoom. Tại các điểm cầu, không khí vòng thi Hackathon diễn ra sôi nổi. Các thí sinh tập trung, chuẩn bị kỹ càng về đường truyền và thiết bị nhằm kết nối tối ưu với các cố vấn.

Không khí sôi động của vòng thi Hackathon - Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam 2024 - 2

Các thí sinh và mentor hiệu chỉnh phần mềm trong buổi thi hackathon (Ảnh: BTC).

Bên cạnh đó, các cố vấn chương trình cũng đã làm việc hết mình để đưa ra những đánh giá, góp ý nhằm giúp các thí sinh nâng cao chất lượng sáng kiến, sẵn sàng trình bày trước ban giám khảo trong vòng chung kết diễn ra sáng 29/11, ngay sau khi kết thúc buổi thi Hackathon.

Cuộc thi năm nay có sự góp mặt của dàn cố vấn chuyên môn cao, là những chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội:

- TS. Bùi Thị Mai Anh: Giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông

- ThS. Nguyễn Tuấn Dũng - Nghiên cứu sinh Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông

- ThS. Đào Mạnh Cường - Nghiên cứu sinh trường Công nghệ thông tin và Truyền thông 

- ThS. Nguyễn Đức Lộc - Nghiên cứu sinh trường Công nghệ thông tin và Truyền thông

Không khí sôi động của vòng thi Hackathon - Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam 2024 - 3

Thí sinh làm việc cùng mentor để đánh giá lại toàn bộ sản phẩm, giải pháp trước khi bước vào vòng chung kết (Ảnh: BTC).

Đánh giá về vòng thi Hackathon của cuộc thi Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam 2024, ThS. Đào Mạnh Cường chia sẻ: "Dù không trực tiếp trao đổi với các thí sinh nhưng đường truyền online ổn định cũng giúp sự kết nối của tôi và các thí sinh được diễn ra suôn sẻ".

Là cố vấn trực tiếp cho các thí sinh, ThS Cường đánh giá cao khả năng tìm tòi của thi sinh khi đi sâu vào nghiên cứu để đưa ra sản phẩm thiết thực, có thể phục vụ ngay cho người tham gia giao thông sau khi bước ra khỏi cuộc thi.

"Đơn cử như một sáng kiến do tôi cố vấn, có đưa giải pháp sử dụng công cụ cảnh báo phát hiện ổ gà cho người tham gia giao thông khá thú vị và sáng tạo.

Tuy vậy, nếu áp dụng trên thực tế sẽ vẫn có hạn chế bởi thí sinh vẫn chưa làm được phần cảm biến nhận diện ổ gà tự động mà vẫn phải nhận diện thủ công, tức là khi người tham gia giao thông đi đến vị trí ổ gà có thể đánh dấu vị trí trên phần mềm, thông tin mới được lưu lại để đưa ra cảnh báo đến người dùng khác".

Không khí sôi động của vòng thi Hackathon - Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam 2024 - 4

Nhiều thí sinh đã có mô hình và sản phẩm thực tế, cho thấy sự chuẩn bị chu đáo khi bước vào cuộc thi (Ảnh: BTC).

Đồng quan điểm với ThS Cường, ThS Nguyễn Đức Lộc đánh giá sơ bộ các sáng kiến bước vào vòng thi Hackathon đều đã được các cá nhân/ nhóm tác giả chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí đã được thử nghiệm kỹ càng về tính hiệu quả.

"Sáng kiến tôi phụ trách cố vấn là sản phẩm khá hoàn thiện, có sản phẩm trực quan rõ ràng và có chức năng cụ thể, thậm chí sản phẩm đã được nhóm thí sinh thử nghiệm và tự đưa ra được đánh giá về hiệu quả cũng như những vấn đề tồn đọng. Ngoài ra, tôi có tham vấn thêm cho các thí sinh về tính bảo mật của sản phẩm", ThS Lộc cho hay.

Không khí sôi động của vòng thi Hackathon - Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam 2024 - 5

Sau vòng thi Hackathon, các thí sinh sẽ có mặt tại Đại học Bách Khoa Hà Nội để sẵn sàng cho vòng thi Chung kết sáng ngày 29/11 (Ảnh: BTC).

Ngay sau 24 tiếng hoàn thiện sản phẩm, các cá nhân và tập thể sẽ tiến vào vòng chung kết, có 6-8 phút để trình bày trước ban giám khảo. Vòng Chung kết cuộc thi sẽ diễn ra vào sáng ngày 29/11 tại Viện AI4FLIE, Đại học Bách khoa Hà Nội. Chiều cùng ngày, các cá nhân và nhóm tác giả đạt giải sẽ được công bố và vinh danh tại Lễ trao giải diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ICC.

Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 do báo Dân tríCông ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Đồng hành cùng Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024 có đơn vị tài trợ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng các đơn vị tư vấn chuyên môn đến từ nhiều trường đại học và các chuyên gia ngành giao thông.

Mọi thắc mắc về cuộc thi, liên hệ về email: sangkienatgt@dantri.com.vn

- Báo Dân trí: 0818778000.

- Công ty Ô tô Toyota Việt Nam: 0904749232.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm