1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

An Giang:

Không "dính" hạn mặn, lúa vẫn chết khô vì sự tắc trách?

(Dân trí) - Dù An Giang không chịu thiệt hại nặng từ xâm nhập mặn gây ra nhưng đã có hàng chục công đất trồng lúa bị chết vì thiếu nước. Người dân cho rằng địa phương chậm trễ trong nạo vét kênh phục vụ tưới tiêu, còn chính quyền địa phương quả quyết đã tranh thủ hết mức.

Nếu như lúc trước khu vực kênh Ven Lộ của ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang được xem là nguồn nước chủ lực phục vụ cho đời sống và sản xuất của trên 200 héc-ta đất lúa trong khu vực thì nay con kênh này đã cạn trơ đáy.

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng con kênh, ông La Văn Hải, ở ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà méo mặt nói: “Anh em chúng tôi ở đây nhiều lần lên xã rồi lên huyện ý kiến rất nhiều về việc đề nghị nạo vét kênh phục vụ nước tưới lúa cho bà con nhưng chính quyền địa phương cứ bảo từ từ. Bây giờ lúa phía trong của tôi chết mấy chục công rồi mới chịu đưa Kobe vào múc sao kịp nữa!” – ông Hải nói.

Do con kênh này khô nước nên ông Hải cho biết, mọi người muốn có nước phải canh đêm xuống để thay phiên nhau bơm nước.
Do con kênh này khô nước nên ông Hải cho biết, mọi người muốn có nước phải canh đêm xuống để thay phiên nhau bơm nước.

Theo quan sát của chúng tôi, con kênh này đã cạn kiệt và ô nhiễm nặng, người dân khu vực chỉ còn biết thay phiên nhau bơm nước vào ruộng lúa được bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu.

“Lần nào báo với chính quyền thì cán bộ xã cũng nói từ từ. Chính vì trì hoãn vậy nên lúa bà con chết khô... Giờ tiền đâu trả nợ phân bón, trừ sâu đây!” – ông Hải ngán ngẩm nói.

Trong khi đó, anh Võ Châu Tuấn, ở xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, An Giang vào tạm trú ở xã Lương An Trà để làm ruộng thì càng bi đát hơn. Anh và 2 người bạn cùng nhau thuê gần 100 công đất để trồng lúa kiếm sống nhưng giờ đây coi như trắng tay vì lúa đã chết trên 40 công không thể cứu lại được nữa.

“Anh nhìn lúa một tháng mà bé xíu, ruộng đất thì đã khô nẻ vậy, làm sao cứu được nữa. Bây giờ chỉ mong nhà nước hỗ trợ để anh em lấy lại vốn mà tiếp tục đầu tư sản xuất nữa thôi. Kiểu này là trắng tay mùa này rồi!” – anh Tuấn than.

Trên 40 công lúa của anh Tuấn đã chết khô khiến anh lâm cảnh nợ nần chồng chất.
Trên 40 công lúa của anh Tuấn đã chết khô khiến anh lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Lương An Trà cho biết, kênh ven lộ Ninh Phước có chiều dài gần 4km nhưng sẽ nạo vét khoảng 2,5km để phục vụ tưới tiêu.

“Việc lúa của nhiều nông dân chết là có thật. Không phải xã chậm trễ mà xã không có thẩm quyền nạo vét kênh nên phải đợi xin ý kiến của huyện. Ngay sau khi nhận được thông tin thì xã đã kiến nghị khẩn cấp về huyện để nạo vét. Mới đây huyện cũng đưa máy Kobe vào nạo vét kênh để kịp thời cứu số lúa còn lại. Dự kiến việc nạo vét thi công khoảng 10 ngày nữa sẽ xong. Còn về việc lúa chết do thiếu nước thì địa phương sẽ kiến nghị huyện và tỉnh sớm có phương án hỗ trợ bà con để họ ổn định tái sản xuất” – ông Vĩnh nói.

Minh Thư