1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Không để xảy ra tình trạng "án có điều kiện nhưng chậm thi hành"

Thế Kha

(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự từ nay tới cuối năm 2023 diễn ra ngày 18/4.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận và hoan nghênh kết quả mà hệ thống thi hành án dân sự đạt được trong 6 tháng qua khi đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.

"Cả hệ thống đã ban hành kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chấp hành viên đã ký cam kết. Việc phối hợp trong công tác chủ động hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được quan tâm, triển khai quyết liệt", ông Khôi đánh giá.

Không để xảy ra tình trạng án có điều kiện nhưng chậm thi hành - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi (Ảnh: Lê Huy).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như số vụ việc chuyển sang kỳ sau tăng, số án tín dụng ngân hàng chưa thi hành xong còn nhiều khó khăn, một số vụ việc kéo dài,…

Ông Khôi yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự phải tập trung giảm lượng án chuyển kỳ sau, làm tốt việc xác minh thi hành án, không để xảy ra tình trạng "án có điều kiện nhưng chậm thi hành". Đặc biệt phải rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ để có sự phân công, điều động phù hợp; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của chấp hành viên.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác tự kiểm tra, kiểm soát từ sớm, từ xa, lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu mỗi chấp hành viên, cán bộ cơ quan thi hành án cần nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt các quy định về công tác phòng chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái khẳng định sẽ cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch, đảm bảo hệ thống thi hành án hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Thắng lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - cho biết, 6 tháng qua toàn ngành đã thi hành xong trên 234.000 việc (đạt tỷ lệ trên 54%) và thi hành xong trên 52.200 tỷ đồng (đạt 26,5%).

Toàn ngành thi hành án đã thi hành xong 900 việc tương ứng với trên 18.531 tỷ đồng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

"Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi cho thấy đã thi hành xong 45 vụ việc tương ứng với số tiền 73.417 tỷ đồng", ông Lợi cho hay.

Từ nay tới cuối năm, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ yêu cầu toàn ngành tập trung chỉ đạo thi hành, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong đó đặc biệt quan tâm rà soát, đôn đốc tổ chức thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm