1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Không để người dân màn trời, chiếu đất sau bão”

(Dân trí) - Sáng 16/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi khảo sát về tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 11 tại Quảng Nam, TP Đà Nẵng và làm việc với lãnh đạo 4 địa phương từ TT-Huế đến Quảng Ngãi về tình hình thiệt hại do cơn bão gây ra.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Văn Hữu Chiến - trong cơn bão số 11 vừa qua, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn đã sơ tán trên 9.000 hộ dân với trên 45 ngàn nhân khẩu; ngoài ra còn tổ chức sơ tán trên 41 ngàn sinh viên và công nhân trên địa bàn quận Liên Chiểu. Về tàu thuyền, đã kêu gọi trên 1.800 phương tiện của Đà Nẵng và các địa phương lân cận vào tránh trú bão an toàn với gần 7.500 lao động.

Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 11
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 11

Đối với tình hình thiệt hại của Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến cho biết trên địa bàn không có người bị chết nhưng có 11 người bị thương. Thiệt hại về tài sản, Đà Nẵng có 122 nhà sập hoàn toàn, 178 nhà sập một phần, có 4.137 nhà bị tốc mái một phần, 1.134 nhà tốc mái hoàn toàn.

Đối với trường học có 100 phòng học bị tốc mái, 35 phòng học và các cơ sở mẫu giáo bị hư hại. Có khoảng 40 ngàn cây xanh bị ngã đổ, một số tuyến đường bị sạt lở và hư hại. Theo ước tính, tổng thiệt hại tại Đà Nẵng trên 868 tỉ đồng chưa kể thiệt hại của các doanh nghiệp. TP Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỉ để khắc phục hậu quả.
 
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 11
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình thiệt hại tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng)

Đối với tỉnh Quảng Nam, báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Lê Phước Thanh - cho biết tỉnh có 3 người chết, 6 người bị thương, trên 5.500 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, trên 15.700 nhà bị tốc mái một phần, 66 phòng học bị tốc mái, 89 công sở bị tốc mái, 47 chiếc ghe bị chìm và hư hỏng. Ngoài ra nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Tổng thiệt hại gần 500 tỉ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ hỗ trợ 100 tỉ đồng để sửa chữa nhà dân, trường học, trạm y tế, cơ quan nhà nước. Hỗ trợ 15 tỉ đồng để mua giống cây trồng vụ đông xuân và hóa chất xử lý môi trường, hỗ trợ 100 tỉ đồng để xây dựng đê chắc sóng khu neo đậu tàu thuyền An Hòa, hỗ trợ 130 tỉ đồng để xây dựng bờ kè sông Quảng Huế với bờ kè biển Cửa Đại và bờ kè chống nước biển xâm thực tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành).
 
Lực lượng Công an giúp dọn dẹp cây đỗ trên đường sau bão trong sáng ngày 16/10
Lực lượng Công an giúp dọn dẹp cây đỗ trên đường sau bão trong sáng ngày 16/10 

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh QK5 cho biết, để chủ động PCLB, QK5 đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra trên địa bàn. Sở chỉ huy quân khu ứng phó bão lụt, điều động lực lượng quân khu tại các vùng ngập lụt, giúp dân, các xe cứu hộ, cứu nạn. Sau khi bão xảy ra, QK5 đã điều động 1.300 quân xuống địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, giải phóng giao thông QL1A, sửa chữa nhà cửa, trường học, trạm y tế. 

Tại hai địa phương là TT-Huế và Quảng Ngãi cũng đã có báo cáo thiệt hại khoảng 140 tỉ đồng do bão số 11 gây ra. Tổng thiệt hại của các địa phương ước tính trên 1.500 tỷ đồng.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương cấp ủy các địa phương đã sâu sát, quyết liệt, chủ động triển khai tốt công tác chuẩn bị phòng chống bão, nhất là chỉ đạo quyết liệt việc di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người.
 
Sáng ngày 16/10, xe tải, xe xúc được điều động để dọn dẹp cây xanh ngã đổ
Sáng ngày 16/10, xe tải, xe xúc được điều động để dọn dẹp cây xanh ngã đổ

Trước và trong bão, lãnh đạo các địa phương chủ động cử cán bộ nắm địa bàn, chỉ đạo sát sao công tác phòng chống. Sau bão kịp thời giải quyết ngay vấn đề môi trường. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Quân đội, Công an với cấp ủy, chính quyền các địa địa phương trong việc di dời nhân dân, kêu gọi tàu thuyền tránh trú an toàn.

Sau bão, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị của Bộ quốc phòng đứng chân trên địa bàn đã sát cánh cùng với địa phương chủ động điều lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả, từng bước ổn đinh cuộc sống…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không được để dân màn trời chiếu đất, không được để dân đói, ốm đau, bệnh tật. Trước mắt phải đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men và các đồ dùng thiết yếu hỗ trợ cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lũ”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hệ thống đường giao thông, tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh…

Về lâu dài, các Bộ, Ngành trung ương quan tâm đầu tư hỗ trợ giúp các địa phương quy hoạch, xây dựng và cải tạo lại môi trường đô thị. Đối với kè biển mà Quảng Nam yêu cầu hỗ trợ sửa chữa để bảo vệ xóm làng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm.

Về các vấn đề địa phương kiến nghị trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Công Bính

Dòng sự kiện: Miền Trung mưa lũ