1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không để người bị tạm giam bị đánh chết, bức cung, nhục hình”

(Dân trí) - Đó là yêu cầu được ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ra trong báo cáo thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về công tác của ngành kiểm sát nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Ông Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội chiều 22/3 (Ảnh: Quochoi).
Ông Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội chiều 22/3 (Ảnh: Quochoi).

Báo cáo trước Quốc hội chiều 22/3 về công tác của ngành kiểm sát nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đã được tiến hành chặt chẽ, hiệu quả hơn; số tố giác, tin báo về tội phạm quá hạn giải quyết giảm dần. Viện kiểm sát đã làm tốt hơn trách nhiệm công tố, thiết thực góp phần chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu quá trình tố tụng.

Đáng chú ý, trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường và gắn chặt hơn với hoạt động điều tra. Kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các lệnh, quyết định tố tụng còn thiếu căn cứ hoặc trái pháp luật.

Cụ thể, theo ông Bình, Viện kiểm sát đã hủy 1.049 quyết định khởi tố bị can, 171 quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can. Yêu cầu thay đổi, bổ sung 316 quyết định khởi tố bị can; yêu cầu khởi tố 1.742 bị can (tăng 94,4%); đã hủy 108 quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ điều tra vụ án, 107 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra bị can của Cơ quan điều tra để phục hồi điều tra theo đúng quy định pháp luật.

“Tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự sau phải trả tự do hoặc xử lý hành chính chiếm tỉ lệ thấp và giảm nhiều so với nhiệm kỳ trước, bảo đảm 100% các vụ án hình sự đều được kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố. Tiến độ giải quyết án hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố nhanh hơn, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,99% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Mặc dù phải xử lý gần 500.000 bị can nhưng các trường hợp phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm chiếm tỉ lệ nhỏ và giảm nhiều so với nhiệm kỳ trước, các trường hợp đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25, Bộ luật Hình sự cũng giảm mạnh”- ông Bình báo cáo.

Qua công tác kiểm sát điều tra, ngành kiểm sát đã ban hành 2.183 kiến nghị đối với Cơ quan điều tra (tăng 300%) và 806 kiến nghị yêu cầu các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Đồng thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thuế, quản lý doanh nghiệp; xử lý các hành vi liên quan đến đồng tiền ảo bitcoin và kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Kiến nghị Bộ Thông tin, truyền thông tăng cường biện pháp quản lý, phòng ngừa vi phạm, tội phạm thông qua hoạt động thông tin, truyền thông; kiến nghị Chủ tịch Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam về quản lý kinh tế, quản lý kinh doanh;…

Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định các cấp kiểm sát tiếp tục chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án đẩy nhanh tiến độ điều tra và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm, giải quyết dứt điểm một số vụ án có dấu hiệu oan, sai hoặc có đơn khiếu nại kéo dài, góp phần bảo vệ công lý và củng cố niềm tin của nhân dân.

Cơ quan điều tra của VKSND được tăng cường nhiều mặt, chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra được nâng lên. Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao đã phát hiện, khởi tố 150 vụ án, tăng 92,3%; đặc biệt, đã kiên quyết khởi tố, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến làm oan người vô tội, một số vụ án về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp như: Vụ Ngô Văn Anh - Chánh Tòa kinh tế TAND TP. Hải Phòng; vụ Nguyễn Duy Hiệp - Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; vụ Phạm Văn Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam,...

Không chỉ tập trung kiểm sát chặt chẽ hoạt động tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, ông Nguyễn Hòa Bình còn cho biết viện kiểm sát các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam trong giám sát, kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Toàn ngành đã kiểm sát 941.924 trường hợp bị tạm giữ, tạm giam và thi hành án; 310.975 hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và hồ sơ đề nghị đặc xá; đã kiểm sát 34.310 cuộc tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam,…

Qua kiểm sát, đã yêu cầu ra 385 quyết định thi hành án, áp giải 1.572 bị án, trả tự do cho 176 người và kiến nghị loại 624 hồ sơ đề nghị miễn, giảm thi hành án phạt tù, 430 hồ sơ đề nghị đặc xá không đủ tiêu chuẩn,... và ban hành 11.949 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan hữu quan khắc phục, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. “Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật”- ông Bình nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị ngành kiểm sát phối hợp với các cơ quan liên quan để không xảy ra trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ bị đánh chết, bức cung, nhục hình.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị ngành kiểm sát phối hợp với các cơ quan liên quan để không xảy ra trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ bị đánh chết, bức cung, nhục hình.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng nhiệm kỳ qua kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa từng bước được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp viện kiểm sát truy tố chưa chính xác bị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại hoặc tuyên bị cáo không phạm tội.

Ủy ban Tư pháp đề nghị VKSND Tối cao cần có giải pháp tạo chuyển biến căn bản công tác giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự, dân sự; chỉ đạo viện kiểm sát các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các khiếu nại cho rằng bị oan, sai trong các trường hợp miến trách nhiệm hình sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

“Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, công tác tạm giữ, tạm giam, không để xảy ra trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị đánh chết hoặc bị bức cung, nhục hình”- ông Hiện nêu rõ.

Thế Kha