Chủ tịch Quốc hội: “Nhân dân có tin tưởng hoạt động của Viện kiểm sát không?"

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hết nhiệm kỳ Viện trưởng, Viện phó VKSND có thể về hưu, nhưng viện kiểm sát thì “không có nghỉ hưu” nên phải làm sao để cho nhân dân tin tưởng. “5 năm vừa rồi nhân dân có tin tưởng hơn với hoạt động của viện kiểm sát không?”- ông nói.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Viện kiểm sát không nghỉ hưu nên phải làm sao để nhân dân tin tưởng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Viện kiểm sát không "nghỉ hưu" nên phải làm sao để nhân dân tin tưởng.

Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/2 về Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao về công tác của ngành kiểm sát trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc kiểm sát hoạt động tư pháp được viết trong báo cáo chưa đầy đủ, chưa rõ.

“Hoạt động kiểm sát đã làm tốt chưa, bởi nhiệm vụ cuối cùng là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công an làm gì, tòa án làm gì, mình đứng ngoài thì vai trò của viện kiểm sát là gì?”- ông Hùng nêu hàng loạt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hết nhiệm kỳ Viện trưởng, Viện phó VKSND có thể về hưu, nhưng Viện kiểm sát thì “không có nghỉ hưu” nên phải làm sao cho nhân dân tin tưởng.

“5 năm vừa rồi nhân dân có tin tưởng hơn với hoạt động của Viện kiểm sát không?". Tôi chưa thấy có câu nào nói cái này cả. Tuy Viện kiểm sát là độc lập nhưng là cơ quan do Quốc hội lập ra nên phải xem đã thực hiện nghiêm, đầy đủ các nghị quyết của Quốc hội chưa. Đây không phải báo cáo kể công việc của Viện kiểm sát 5 năm vừa rồi, mà phải đi sâu vào đánh giá, suy nghĩ kỹ hoạt động của ngành mình trong 5 năm qua để từ đó rút ra gì cho ngành mình tiếp tục phát triển”- ông Hùng yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội nhận định đội ngũ công chức ở ngành kiểm sát được nhân dân rất tin tưởng, coi trọng. “159 kiểm sát viên cao cấp được bổ sung vừa qua thực sự là những người được nhân dân tin tưởng, tội phạm nhìn thấy là run sợ. Chính vì thế phải cố gắng tổng kết, rút ra cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng”- ông Hùng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá báo cáo được VKSND Tối cao chuẩn bị công phu. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Viện kiểm sát đã có nhiều nỗ lực lớn để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Trong khi đó, dẫn ra báo cáo của TAND Tối cao khẳng định án bị sửa, hủy trong 5 năm qua giảm nhiều nhưng báo cáo của VKSND Tối cao lại không đề cập tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn: “Viện kiểm sát đã làm hết vai trò trong vấn đề này chưa?”.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị VKSND Tối cao bổ sung những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua để từ đó tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trách nhiệm của kiểm sát viên; giám sát cán bộ ngay từ khi tham gia vào quá trình điều tra, truy tố tới xét xử để đảm bảo tính liên tục.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình xin tiếp thu các ý kiến đóng góp và hứa sẽ có chỉnh sửa lại nội dung trong báo cáo trước khi trình ra Quốc hội.

Báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội để nhân dân thảo luận

Tổng kết phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết ngày 21/3 tới sẽ khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Kỳ họp này dự kiến sẽ gồm 4 mảng nội dung chính về xây dựng pháp luật, tổng kết nhiệm kỳ, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và công tác nhân sự của nhà nước.

Đối với việc có tiếp xúc cử tri trước kỳ họp hay không, Chủ tịch Quốc hội khẳng định luật đã quy định rất rõ trước kỳ họp có tiếp xúc cử tri. Chính vì thế sẽ có chỉ đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri trước kỳ họp với hai nội dung là báo cáo chương trình kỳ họp và công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội để nhân dân thảo luận.

Thế Kha