1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khống chế lãi suất “đen”, buông tay với lãi ngân hàng

(Dân trí) - “Lãi suất cơ bản không thể chỉ áp dụng cho giao dịch vay ngoài ngân hàng. Như vậy có nghĩa chỉ ngân hàng được cho vay nặng lãi” - câu hỏi trong phiên thảo luận Luật Ngân hàng nhà nước tại UB thường vụ QH hôm nay vẫn “ngóng” một phương án thỏa đáng…

Khống chế lãi suất “đen”, buông tay với lãi ngân hàng - 1
Việc bỏ lãi suất cơ bản hay không vẫn còn nhiều điều phải bàn.
 
Xung quanh vấn đề lãi suất cơ bản vẫn có 2 luồng ý kiến. Nhiều tán thành việc không quy định lãi suất cơ bản như dự thảo luật. NHNN sẽ điều hành thị trường tiền tệ bằng các công cụ như lãi suất chiếu khấu, lãi suất tái cấp vốn.

Các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện chính sách lái suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, NHNN sẽ can thiệp băng cách quy định lãi suất cụ thể cho các tổ chức tín dụng thực hiện.

Quan điểm thứ 2 đề nghị tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản để đảm bảo nguyên tắc nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ, làm cơ sở thực hiện các quy định của Bộ luật dân sự.

Ủy ban thường vụ QH cho rằng, trong điều kiện bình thường, NHNN không cần thiết phải chỉ đạo trực tiếp lãi suất của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam đan trong quá trình chuyển đổi, có thể phát sinh tình huống có diễn biến vượt ngoài khả năng điều tiết của NHNN (ví dụ diễn biến thị trường tiền tệ năm 2008).

Trong trường hợp này cần cho phép NHNN can thiếp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng để ổn định thị trường. Vai trò của lãi suất cơ bản như vậy là cần thiết.

Ở khía cạnh khác, cơ quan thẩm tra dự án luật nhận định, không nên áp dụng thống nhất một loại lãi suất áp dụng cho cả hoạt động ngân hàng và các giao dịch dân sự khác. Lãi suất do các ngân hàng công bố, theo đó, tuy là lãi suất đươc thỏa thuận giữa các bên nhưng nằm trong phạm vi điều tiết của NHNN thông qua lãi suất cho vay.

Trong khi đó, hoạt động cho vay trong khu vực dân cư là khu vực vay - mượn nhỏ lẻ, không chính thức, không công khai, khó có sự giám sát nên cần thiết phải quy định trần lãi suất riêng để quản lý. Mức lãi suất này do NHNN công bố vừa để ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi, vừa là căn cứ để các cơ quan chức năng giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình tán đồng quan điểm duy trì công cụ quản lý thị trường khi có diễn biến bất thường này nhưng đề nghị “đổi tên”, không gọi đó là lãi suất cơ bản.

Không xuôi, chủ nhiệm UB tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển kiên quyết nếu đã chủ trương bỏ lãi suất cơ bản thì bỏ hẳn, không thể chỉ áp dụng cho giao dịch vay ngoài ngân hàng. “Như vậy có nghĩa chỉ ngân hàng được cho vay nặng lãi, làm sao còn công bằng?” - ông Hiển nói lại.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng kiến nghị nếu bỏ lãi suất cơ bản thì cần sửa Bộ luật hình sự về tội cho vay nặng lãi. Ông Vượng phân tích, dù là ngân hàng hay cá nhân cho vay thì đó đều là quan hệ dân sự, không thể tách các giao dịch của các tổ chức tín dụng ra một kiểu quan hệ riêng. Như thế là tạo điều kiện cho ngân hàng lợi dụng tình trạng người đang khó khăn để áp đặt một mức lãi suất cao.

“Không thể để người khó khăn lại thêm bị lệ thuộc vào người giàu có” - ông Vượng bức xúc”.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba góp thêm ý phân tích, bỏ lãi suất cơ bản, xã hội sẽ bấn loạn vì khi ở tình trạng khó khăn thì người đi vay sẽ phải chấp nhận vay với bất cứ giá nào, mức lãi suất nào ngân hàng đưa ra nhưng khả năng trả nợ thì không có.

Theo bà Thu Ba, chạy theo “phong trào” thế giới bỏ lãi suất cơ bản không phản ánh đúng bản chất kinh tế thị trường có định hướng. Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị duy trì thiết kế “van an toàn” để tránh tức nước, tai biến.

“Chốt” lại vấn đề, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, lãi suất cơ bản là 1 cụm lãi suất chứ không phải một mức lãi suất cụ thể. Phải bỏ quy định công bố lãi suất cho vay trong dân, không chấp nhận các giao dịch “ngầm”, không tạo điều kiện hoạt động riêng cho loại giao dịch này.

Ông Kiên yêu cầu cơ quan soạn thảo chỉnh sửa quy định trong dự thảo luật, giữ cơ chế điều hành lãi suất áp dụng của NHNN trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, bỏ quy định công bố lãi suất làm cơ sở cho các giao dịch ngoài hoạt động ngân hàng.

Thảo luận về dự luật các tổ chức tín dụng, các vấn đề giới hạn sở hữu cổ phần, đầu tư chứng khoán, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, công khai các tổ chức tín dụng bị đặt vào trạng thái kiểm soát đặc biệt… gây nhiều tranh luận.

Dự luật kiến nghị hạ mức sở hữu cổ phần của một cá nhân từ 10% xuống còn 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Trong khi đó, mức giới hạn sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức lại được nâng từ 10% lên 20%.

Phó Chủ nhiệm UB kinh tế Vũ Viết Ngoạn phân tích, có một số nhóm cá nhân giữ tỷ lệ cổ phần rất lớn, qua đó thao túng, lũng đoạn ngân hàng qua việc liên kết lại với nhau trong khi hiện tượng này với các pháp nhân rất khó.

Ông Ngoạn cảnh báo, mức 5% vốn sở hữu với cá nhân cũng chưa thỏa đáng vì chỉ cần nhóm 20 người là đã thao túng được tình hình.

Ông Ngoạn cũng tỏ ý băn khoăn quy định cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác vì luật hiện hành, các ngân hàng nước ngoài lại được phép mua cổ phần ở các tổ chức tín dụng trong nước. Như vậy là tự tạo sân chơi bất bình đẳng, bất lợi cho doanh nghiệp trong nước?

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cũng kiến nghị không khuyến khích nhưng cũng không nên cấm hoạt động đầu tư chứng khoán ngắn hạn của các ngân hàng, chỉ nên dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát được hoạt động này.

P. Thảo