1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Không chấp hành hiệu lệnh đèn xanh cũng có thể bị phạt”

(Dân trí) - Đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn nào, xanh, vàng hay đỏ, đều bị xử phạt. Người dân không nên hiểu cứng nhắc quá là “vượt đèn vàng”.

Liên quan đến băn khoăn của nhiều người về việc CSGT xử lý lỗi “vượt đèn vàng”, PV Dân trí có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền - Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an).

Theo Thượng tá Nhật, Luật giao thông đường bộ (GTĐB) quy định rõ, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ như: hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường...

Lỗi vi phạm Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông được lực lượng CSGT phát hiện, xử lý qua hệ thống camera giám sát giao thông.
Lỗi vi phạm "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" được lực lượng CSGT phát hiện, xử lý qua hệ thống camera giám sát giao thông.

Trong đó, khoản 3 Điều 10 Luật GTĐB quy đinh, tín hiệu đèn giao thông có ba màu: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

“Khi đèn xanh, xe đã đi quá vạch dừng, quá trình chuyển đèn vàng nhanh, chỉ 2-3 giây, xe đó được phép đi tiếp. Nếu không đảm bảo an toàn, tại nút giao, lực lượng điều tiết giao thông giữ xe lại để đảm bảo an toàn. Người điều khiển phương tiện phải chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông để đảm bảo an toàn” - Thượng tá Nhật giải thích.

Về lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” quy định trong Nghị định 46, theo Thượng tá Nhật, hành vi này phải được hiểu là với các hiệu lệnh đó (xanh, vàng, đỏ) mà người điều khiển phương tiện không chấp hành thì đều bị xử phạt như nhau.

“Không nên hiểu cứng nhắc quá là vượt đèn vàng. Vượt đèn đỏ, đèn xanh nhưng không đi, gây cản trở cho phương tiện khác thì người điều khiển cũng bị xử phạt như thế” - Trưởng phòng Tuyên truyền C67 khẳng định và cho rằng, việc người điều khiển không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu là tự tạo ra sự nguy hiểm cho mình.

Trước lo lắng của nhiều người về việc phanh gấp khi đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng sẽ bị xe đi phía sau đâm vào, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật viện dẫn các điều luật trong Luật GTĐB để làm rõ. Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông phải đảm bảo về tốc độ và khoảng cách giữa các xe.

Cụ thể, Điều 12 Luật GTĐB quy định “Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe”: Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.

Còn Điều 24 Luật GTĐB quy định “Nhường đường tại nơi đường giao nhau”: Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ.

Như vậy, các phương tiện khi đến gần đường giao nhau phải giảm tốc độ, giữ khoảng cách với các xe phía trước như luật quy định.

“Không có lý do gì để biện minh cho việc sợ bị xe phía sau đâm vào. Đâm vào là do những người không chấp hành pháp luật, phải xử lý nghiêm. Người điều khiển phương tiện phải đảm bảo về tốc độ, khoảng cách như luật quy định” - Thượng tá Nhật nói đồng thời khẳng định, những quy định về đèn tín hiệu như trên phù hợp với Công ước quốc tế về giao thông.

Tiến Nguyên