1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Khối ngành tư pháp giải trình “chưa thông”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ công an, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh cán TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ tư pháp lần lượt đăng đàn QH chiều qua (23/10) để báo cáo về công tác của khối ngành tư pháp năm qua. Những bản “giải trình” theo báo cáo thẩm tra vẫn còn nhiều hạn chế.

Oan từ điều tra, sai do… VKS?

Từ góc độ cơ quan của Chính phủ, lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh xác nhận có oan sai. Trong một năm qua, trong số các vụ việc đã bị khởi tố, điều tra, hơn 50 trường hợp bị can được đình chỉ vì hết thời hạn mà CQĐT không chứng minh được tội phạm, hàng trăm trường hợp khác không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

Số án “tới đích” không tương xứng với số lượng khởi tố, tướng Lê Hồng Anh phân tích, có lý do là ngành công an còn thiếu lực lượng điều tra án, điều tra viên năng lực hạn chế, thậm chí không loại trừ yếu tố tiêu cực, tham nhũng.

Ngành kiểm sát cũng thừa nhận lượng truy tố oan sai không chỉ dừng lại con số hàng chục. Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng báo cáo, không ít trường hợp cơ quan công tố buộc tội nhưng tòa án đã tuyên vô tội cho người bị cáo buộc. Số án sai nhiều liên quan đến lĩnh vực kinh tế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng án oan sai được nhìn nhận chủ yếu từ năng lực, trình độ của cán bộ kiểm sát. Viện trưởng Vượng thẳng thắn: một số kiểm sát viên chưa đủ năng lực chuyên môn trong kiểm soát, điều tra án dẫn đến sai phạm. Không được trang bị, cập nhật nhiều thông tin, kiến thức về tội phạm hiện đại cũng là lý do khiến đại diện cơ quan công tố “đuối” trong nhiều vụ án kinh tế, án có yếu tố nước ngoài phức tạp.

Trước phần “tự phê” của cơ quan điều tra và công tố, chỉ đại diện của cơ quan xét xử - Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình tự tin khẳng định: “Nhìn chung, việc giải quyết, xét xử án hình sự đảm bảo đúng người đúng tội, chưa phát hiện người bị kết án oan”.

Đánh giá về những bản báo cáo này, Chủ nhiệm UB tư pháp của QH, Lê Thị Thu Ba cho rằng cơ quan điều tra và công tố “không oan”. Bà Thu Ba phân tích, công tác điều tra có nhiều hạn chế, VKS đã phải hủy rất nhiều quyết định khởi tố, từ chối phê chuẩn nhiều lệnh bắt giam thiếu cơ sở. Tổng số vụ án không khởi tố thấp hơn đáng kể so với năm 2007. Tiến độ điều tra, giải quyết án, trong đó có nhiều án trọng điểm theo UB tư pháp cũng quá chậm, kéo dài.

Tuy nhiên, phần trách nhiệm “oan sai” thường dồn về phía VKS. Số người bị truy tố oan tăng gần 10% so với năm trước. Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử còn hạn chế. “Một số trường hợp kiểm sát viên trách nhiệm chưa cao, không nắm chắc vụ án nên khả năng tranh tụng tại tòa kém, tranh luận lúng túng, thiếu thuyết phục, thậm chí đã không bảo vệ được quyết định truy tố” - Chủ nhiệm UB tư pháp nhận xét.

VKS các cấp trong năm cũng đã phải giải quyết bồi thường cho nhiều trường hợp bị oan theo nghị quyết 388. Tuy vậy, việc bồi thường và giải quyết quyền lợi cho người bị oan, xử lý cán bộ gây oan cũng chưa thỏa đáng.

Bị động với tội phạm thời @

Báo cáo thẩm tra của UB tư pháp cho rằng công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của ngành công an năm qua vẫn kém hiệu quả, biểu hiện như buông lỏng quản lý nhà nước với các tội phạm về môi trường, kinh tế, tham nhũng. Theo đánh giá này, chính việc dự báo tình hình tội phạm không sát dẫn đến nhiều khó khăn, bị động trong đối phó.

Một năm qua, ngành công an phải đối mặt với những biểu hiện tội phạm mới, nguy hiểm. Tội phạm giết người, hiếp dâm trẻ em có tính chất nghiêm trọng gia tăng. Hoạt động của các băng nhóm, trong đó nhiều nhóm trẻ vị thành niên tụ tập gây án, sử dụng vũ khí nóng… diễn biến rất phức tạp.

Khối ngành tư pháp giải trình “chưa thông” - 1

Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh: "Tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mới… gia tăng, khó kiểm soát". (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

 

Đại tướng Lê Hồng Anh - Bộ trưởng Bộ Công an xác nhận hoạt động của các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mới… gia tăng, khó kiểm soát. Nhiều trò lừa đảo qua mạng khiến ngay các doanh nghiệp, cơ quan cũng dễ dàng trở thành nạn nhân. Tội phạm tham nhũng, kinh tế, môi trường ngày càng phức tạp mà việc xử lý lại chưa tương xứng, gây nhiều thiệt hại lớn về kinh tế. Tình trạng gian lận trong mua bán xăng dầu, giá cước taxi, xuất lậu than diễn ra trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, khó xử lý.

Chủ nhiệm UB tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng bày tỏ bức xúc thêm về vấn đề quản lý, xử lý tội phạm về môi trường đang diễn ra phổ biến mà không được phát hiện, xử lý kịp thời. Bà Thu Ba liệt kê các vụ việc gây bức xúc từ đầu năm: vụ nhập lậu 700 tấn phế liệu tại TPHCM, vụ chôn lấp chất thải trái phép của công ty Hyundai Vinashin tại Khánh Hoà, vụ “đầu độc” sông Thị Vải của công ty Vedan tại Đồng Nai, sông Hồng của công ty Miwon tại Phú Thọ…

UB tư pháp đưa ra yêu cầu cơ quan chức năng có giải trình, đánh giá rõ hơn về tình trạng hoạt động vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường, chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực này.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm