1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vũng Tàu

Khoảnh khắc tàu cá cùng 16 người bị đâm chìm trên biển

(Dân trí) - “Sau cú đâm mạnh vào bên phải, chiếc tàu bị gãy đôi, chìm xuống. Tất chúng tôi rơi thẳng xuống biển, nhiều người vướng vào lưới đánh cá. Tôi vùng vẫy, ngoi lên bơi đi tìm con trai đang bị sóng đánh trôi đi” - ông Thanh bàng hoàng nhớ lại.

Chiếc tàu SAR 272 đưa 4 thuyền viên vào bờ
Chiếc tàu SAR 272 đưa 4 thuyền viên vào bờ

0h35’ ngày 17/9, 4 trong số 8 ngư dân được cứu sống trên tàu cá bị tàu hàng Sima Saphire (quốc tịch Singapore) đâm chìm ngoài khơi biển Vũng Tàu, được tàu SAR 272 đưa về Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vũng Tàu). Các nạn nhân là ông Nguyễn Văn Hồng (38 tuổi), Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, ngụ Tiền Giang) và hai bố con ông Nguyễn Văn Thanh, cháu Nguyễn Văn Bé (13 tuổi, ngụ Cà Mau).


Nét mặt chưa hết bàng hoàng, ông Thanh kể, chiếc tàu đánh cá ra khơi được gần 2 tháng, trên tàu có 16 người. Thời điểm gặp tai nạn, tàu cá đang quay vào bờ. “Tôi nằm ngủ ở giường tầng trên, con trai nằm tầng dưới, trong phòng tài công. Bất ngờ tôi nghe tiếng động mạnh vang lên từ bên mạn phải của con tàu. Ngay sau đó, tàu cá bị gãy đôi, tôi rơi thẳng xuống biển, cố ngoi lên mặt nước để kiếm con trai thì tôi bị lưới cá bủa vây và một thanh gỗ đâm vào đầu. Lúc này, nhiều người khác cũng đang vùng vẫy dưới nước”.

Những ngư dân chưa hoàn hồn sau vụ va chạm kinh hoàng
Những ngư dân chưa hoàn hồn sau vụ va chạm kinh hoàng

“Lúc đó trời tối, sóng biển ập đến dồn dập, tôi may mắn túm được chiếc phao rồi vội vã bơi tìm con. Gọi lớn nhiều lần “Bé ơi”, tôi thấy cháu trả lời, lúc này nó đang bám sát chỗ anh Hồng. Nhìn thấy nó còn sống tôi mừng muốn khóc” - ông Thanh tâm sự.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ lúc 11 tuổi, Bé đã được bố cho ra khơi, theo tàu cá mưu sinh. Cậu bé cho biết, đây là lần đầu tiên gặp phải sự việc kinh hoàng như vậy. “Lúc rơi xuống biển, con chới với gọi cha nhưng không thấy. Con tưởng mình sắp bị chết nên rất sợ, lúc ngoi lên được mặt nước con bám chặt vào sợi dây thừng với chú Hồng, một lúc sau thì cha con gọi và bơi đến bên con” – Bé kể.

Mới 13 tuổi nhưng Bé đã trải qua thời khắc sinh tử giữa biển đêm
Mới 13 tuổi nhưng Bé đã trải qua thời khắc sinh tử giữa biển đêm

Sau khi gặp nhau, cha con ông Thanh và ông Hồng đu bám trên chiếc phao và bình nhựa đựng nhớt rơi ra từ tàu cá. Nhìn xung quanh, 3 người phát hiện 5 người khác cũng đang bám vào các vật dụng để cố gắng nổi trên mặt nước. “Tôi nhìn thấy anh Ba Chiến nằm úp mặt, nổi bồng bềnh trên mặt nước, nhiều người gọi nhưng không thấy anh ấy trả lời và anh bị sóng đẩy va vào các mảnh vỡ từ tàu cá”, ông Thanh kể.

Vẻ mặt mệt mỏi, ông Võ Văn Nhiệm (61 tuổi) cho biết: “Khi xảy ra vụ tai nạn tôi đang ngồi trên tàu thì bất ngờ nghe tiếng động lớn ở bên mạn phải con tàu, sau đó chiếc tàu chao đảo và tôi rơi xuống nước. Mọi người hoảng loạn kêu lên, tôi chưa biết chuyện gì xảy ra. Trời tối om, vùng vẫy trong nước, tôi quơ tứ tung và bám được vào lưới, cố gắng nổi lên để cầm cự”.

Ông Nhiệm kể thêm, khi vụ tai nạn xảy ra, ông đang nằm dưới cabin, nghe tiếng rầm, tàu chìm rất nhanh, dù cố gắng nhưng ông bị kẹt lại không thoát ra được cho đến lúc nước ngập đầy cabin ông mới trồi lên. Cùng lúc này, ông Nhiệm thấy anh Chiến cũng đang tìm cách thoát ra ngoài. Ông Nhiệm cho biết, từ khi con tàu gặp nạn đến giờ ông vẫn chưa thể liên lạc với gia đình.

Thuyền viên được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ khu vực III
Thuyền viên được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ khu vực III

Tất cả các ngư dân được cứu sống khẳng định, hơn 30 phút sau vụ tai nạn, họ được tàu Sima Saphire vớt lên. “Những người mất tích có thể bị mắc kẹt trong lưới cá, không thoát ra được khỏi tàu” – ông Nhiệm phỏng đoán.

Đến 1h sáng nay 17/9, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III đã bàn giao các nạn nhân cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Vũng Tàu để tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Dự kiến 4 ngư dân còn lại sẽ được đưa vào bờ vào trưa cùng ngày. Việc tìm kiếm số người mất tích vẫn đang được triển khai khẩn trương.
 
Trước đó, vào lúc 17h45’ ngày 16/9, ông Phạm Hiển - Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (MRCC) - khẳng định vẫn chưa tìm thấy những nạn nhân mất tích.
 

Ông Hiển cho biết, do thời tiết tại khu vực tàu cá gặp nạn hiện đang rất xấu, gió Tây Nam cấp 6, cấp 7 làm sóng cao đến 2 - 3m gây khó khăn cho lực lượng cứu nạn tiếp cận nơi chiếc tàu cá gặp nạn.

Hiện lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn được huy động gồm hai tàu cứu hộ SAR 413 và SAR 27, hai trực thăng cửa Sư đoàn không quân 917 từ sân bay Tân Sơn Nhất bay ra, tàu gây tai nạn Sima Sapphire (Singapore) cũng ở lại hiện trường tham gia tìm kiếm cũng như rất nhiều tàu khác nhận được tín hiệu cũng tham gia hỗ trợ.
 
Cũng theo ông Hiển, vị trí của tàu Singapore đâm tàu cá dân sinh TG 92819 TS của ngư dân tỉnh Tiền Giang ở vùng biển phía Nam Vũng Tàu thuộc tọa độ 9 độ 25 phút 500 vĩ độ Bắc, 107 độ 12 phút 700 kinh độ Đông. “Đến thời điểm này chúng tôi vẫn đang phối hợp với các đơn vị tìm kiếm người mất tích. Chưa thể khẳng định có thêm người tử vong hay không vì công tác tìm kiếm vẫn chưa kết thúc. Danh tính các nạn nhân vẫn chưa thể xác định cụ thể vì lời khai của những người trên tàu vẫn chưa thống nhất, rõ ràng” - ông Hiển khẳng định.

Trung Kiên