DMagazine

Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán

(Dân trí) - 6 năm siêu dự án chống ngập được khởi công trên sông Sài Gòn, ấy cũng là toàn bộ thời gian gia đình bà Huỳnh Thị Mỹ Lan sống trong mòn mỏi đợi chờ.

Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không thể bán...

(Dân trí) - 6 năm siêu dự án chống ngập được khởi công trên sông Sài Gòn, ấy cũng là toàn bộ thời gian gia đình bà Huỳnh Thị Mỹ Lan sống trong mòn mỏi đợi chờ.

6 giờ mùng 1 Tết Nguyên đán 2022, gia đình bà Huỳnh Thị Mỹ Lan (64 tuổi, ngụ đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM) vừa mở cửa, nước triều cường đã ồ ạt tràn vào nhà. Bà Lan buộc lòng đóng cửa để người thân không phải lội nước ghé sang chúc Tết. Đến cuối buổi chiều, thủy triều sông dần rút, cả nhà mới hì hục tát nước ra khỏi thềm. 

Cứ thế, gia đình bà đành trải qua một mùa Tết cùng triều cường!

Nhưng có một điều lạ, mọi năm hộ dân trên đường Trần Xuân Soạn chỉ chuẩn bị cho vấn đề chống ngập vào tháng 9-10 âm lịch, khi con nước sông cao. Thế nhưng, 6 năm từ lúc công trình ngăn triều khởi công, mực thủy triều sông Sài Gòn liên tục thay đổi.

"Có khi cả tháng 9, trừ một hai ngày không ngập, còn lại cứ sáng tát, trưa nghỉ, chiều tiếp tục tát. 50 năm buôn bán, giờ chuyển đi thì mất kế sinh nhai, ở lại chỉ có khổ, gia đình tôi thực sự tiến thoái lưỡng nan" - bà Lan tâm sự.

Cận cảnh siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trễ hẹn hơn 4 năm ở TPHCM (Video: Phương Nhi).

Dân lo sợ vì nhà thành hầm, tường nứt toạc

Tháng 6/2016, thông tin về siêu dự án chống ngập sẽ xây dựng trên đoạn sông giáp đường Trần Xuân Soạn khiến gia đình bà Lan vui mừng khôn siết. Suốt nhiều tháng sau đó, đêm nào bà Lan cũng ngồi trước cửa, nhìn hàng trăm công nhân tất bật, ánh đèn công trường sáng loáng cả một góc trời.

Ban đầu, công trình khởi công 3 tháng, tường nhà bà Lan xuất hiện vài vết nứt nhưng bà vẫn đổ lỗi do móng nhà yếu, đất cạnh mé sông nên mềm lún. Thế nhưng, vài hôm sau, cứ mỗi đêm tiếng búa đóng cọc vang, bức tường toàn bộ nhà quanh xóm bà Lan lại há rộng miệng hơn. Không chấp nhận nguy hiểm, cư dân đồng loạt lên tiếng.

Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán - 1

Nhiều căn nhà trong khu phố nơi bà Lan ở đều bị nứt tường do công trình xây dựng. Ảnh: Phương Nhi.

"Chủ thầu xoa dịu dân liền cho người xuống khảo sát, lập hồ sơ. Họ bảo rằng sẽ chi trả đền bù 40-100 triệu để từng nhà sửa chữa nên chúng tôi mới đồng ý. Thế nhưng, đến nay, tất cả chỉ là giấy tờ" - bà Lan nhớ.

Mỗi mùa Tết, UBND phường tổ chức cuộc họp lấy ý kiến dân đầu năm, câu chuyện đền bù luôn được tranh luận sôi nổi. Đến mãi năm 2022, cái chân đau nhức khiến bà Lan không di chuyển xa, bà vẫn nhắn gửi hàng xóm: "Hỏi giúp tôi số tiền 40 triệu…". Thế nhưng chỉ nhận lại lời hứa hẹn. 

"Cuối cùng tôi đành phải tự bỏ tiền túi mua vật tư về trám vết nứt. Người giàu thì họ chọn cách chuyển đi nơi khác sống, người có ít của họ tự bỏ ra nâng nền, cải tạo. Còn gia đình tôi 15 nhân khẩu, chỉ dựa vào gánh hành tỏi ớt nên đành chịu cảnh vậy thôi…"

Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán - 2

6 năm gia đình bà Lan sống trong nơm nớp lo sợ vì vết nứt ngày càng dài. Ảnh: Phương Nhi.

Theo đó, năm 2016, siêu dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ đồng khởi công, hứa hẹn mang hy vọng sẽ giúp TPHCM kiểm soát ngập cho diện tích 750 km2. Siêu dự án gồm 6 cống: Cây Khô, Mương Chuối, Phú Xuân (huyện Nhà Bè), Bến Nghé (quận 1), Tân Thuận (quận 7), Phú Định (quận 8), dự kiến hoàn thành vào năm 2018. 

Thế nhưng, giữa năm 2018, chủ đầu tư đưa ra thông báo tạm ngừng thi công. Nguyên nhân là chính quyền thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện tái cấp vốn. Đến nay, hơn 6 năm, dự án này vẫn trễ hẹn mặc dù tiến độ công việc đã đạt hơn 90%.

Từ ngày cống chống ngập xây trước cửa nhà, anh Nguyễn Minh Tuấn (35 tuổi, ngụ đường Trần Xuân Soạn, quận 7) vẫn giữ thói quen xem tin tức, đêm đêm đi dọc bờ sông để rà soát tiến độ. Đối với anh, đập ngăn triều là cơ hội giúp chất lượng cuộc sống bản thân và người thành phố tốt hơn.

Năm đầu tiên triều dâng, anh Tuấn tằn tiện tiền từ công việc xe ôm để nâng nền nhà. Nhưng sau 3 lần, năm 2019, sàn nhà anh đã gần như chạm nóc. "Nếu thêm nữa, đầu tôi sẽ đụng trần, cửa thấp hơn mặt đường. Như thế không thể nào ở được…" - anh Tuấn phân trần.

Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán - 3
Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán - 4

Giữa năm ấy, đang lúc bế tắc thì thông tin UBND TPHCM tái khởi động dự án khiến anh Tuấn phấn chấn trở lại. Thế nhưng, sang tháng 11/2020, nhà đầu tư tiếp tục trả lời trên báo rằng hợp đồng cũ đã hết hạn, UBND TPHCM chưa ký phụ lục mới về thời gian hoàn thành nên sẽ tiếp tục tạm dừng. 

Qua nhiều năm tâm trạng lên xuống thất thường, anh Tuấn không còn trông chờ vào thời điểm công trình hoàn thành. "Từ vài trăm công nhân, giờ mỗi ngày chỉ còn 2-3 người thổi bụi, sửa chữa đường. 6 năm đợi chờ, chúng tôi đã gồng mình về kinh tế, thời gian, đời sống… Bởi nước ngập qua đầu gối thì cha không thể đi làm, con không thể đi học, mà chợ cũng không thể bán…" - anh Tuấn kể.

Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán - 5

Triều cường liên tục bủa vây cuộc sống của nhiều hộ dân tại đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TPHCM).

"Chống ngập như chống giặc"

Tại "rốn ngập" Tôn Thất Thuyết (quận 4), gia đình bà Hồ Thị Ngọc Dung (64 tuổi) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Năm đầu tiên triều ngập nhà, bà Dung đóng thêm khung sắt 20cm làm chân đế cho toàn bộ nội thất. Thế nhưng, vài năm sau, chung cư xung quanh nhà mọc như nấm khiến nước ứ đọng, chân đế sắt cũng bắt đầu gỉ sét. Nhanh chóng bà Dung dồn 90 triệu đồng để nâng nền nhà cao thêm 1 mét.

Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán - 6

Bà Dung mòn mỏi đợi chờ công trình chống ngập được đưa vào hoạt động để cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Ảnh: Phương Nhi.

Được vài năm, mực nước tiếp tục dâng cao, bà liền xây tường bê-tông trước thềm nhà để tấn nước. Sang năm nữa, nước vẫn tràn vào nhà, bà chỉ còn cách chuẩn bị sẵn sàng 10 bao tải cát dự bị, cứ nước dâng tới đâu, bà chặn tới đó. 

"Đến năm 2019, triều cường đạt kỷ lục, nhà tôi sóng đánh như ở biển. Qua năm sau, nhà nước hỗ trợ xây hệ thống máy bơm ngay sông. Cứ nghĩ có máy bơm, thêm cống ngăn triều thì vấn nạn sẽ hết. Vậy mà, máy hoạt động ổn định 2 năm, sang năm 3 nước vẫn tràn vào nhà, tôi lại tiếp tục chống ngập như chống giặc…" - bà Dung nói.

Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán - 7
Khổ vì ngập ở TPHCM: Cha không thể đi làm, con không thể học, chợ không bán - 8

Trao đổi với Dân trí về tiến độ dự án, ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TPHCM) cho biết, theo tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đã hoàn thành khoảng 91-93% khối lượng công việc. Tuy nhiên, công trình đang gặp tình trạng "nhà đã xây nhưng chưa hoàn công nên chưa thể ở".

"UBND thành phố sẵn sàng ký lại phụ lục mới để gia hạn thời gian. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã đưa thêm một số nội dung mới, thường trực UBND TPHCM đã đề nghị đàm phán lại vì phát sinh các vấn đề phải xin ý kiến cấp trên, nếu không sẽ làm thay đổi bản chất của hợp đồng", Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.

Cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo UBND TPHCM đã yêu cầu chủ đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng năm 2023.

6 năm dự án chống ngập nằm yên bất động, gia đình bà Lan vẫn chịu cảnh trú trong căn nhà nứt vách. Qua Tết Nguyên đán 2022, cánh cửa sắt cuối cùng cũng bị nước đánh gãy, bà Lan chỉ còn biết dùng dây nhợ buộc tạm.

Thế nhưng, vào những đêm mưa lớn, nước xì qua từng lỗ gạch, bà Lan vẫn thức trắng, nắm tay cầu trời cho bức tường nứt đừng đổ sập.

Nội dung: Huy Hậu