“Khó tránh việc một vài điểm trông giữ xe tăng giá tự phát!”
(Dân trí) - “Những ngày Đại lễ vừa qua, lượng người dồn về trung tâm rất lớn, nhất là ban đêm, trong khi diện tích trông xe hạn chế nên khó có thể tránh được 1 vài điểm lợi dụng tăng giá tự phát mà không có lực lượng chức năng kiểm soát”.
Những ngày Đại lễ vừa qua, rất nhiều người dân bức xúc trước tình trạng các bãi trông giữ xe “vô tư” tăng giá, “chặt chém” khách gửi. Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Vương Thị Thu Hằng - Phó ban phụ trách Ban Giá (Sở Tài chính Hà Nội) để làm rõ hơn các quy định về phí trông giữ xe cũng như việc xử lý vi phạm.
Mức thu phí các phương tiện giao thông ở các bãi gửi xe tại Hà Nội được quy định thế nào và Sở làm gì để các quy định này được tuân thủ, thưa bà?
Đối với ô tô: xe có 9 ghế ngồi trở xuống và xe tải 1,5 tấn trở xuống là 10.000đ; xe có 10 ghế ngồi trở lên và xe tải trên 1,5 tấn trở lên là 20.000đ. Đối với các quận, 1 lượt gửi tối đa không quá 120’, quá thời gian này thì thu thêm các lượt tiếp theo. Trường hợp gửi xe qua đêm tính bằng ba lượt. Với quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các huyện khác, không quy định thời gian cho 1 lượt.
Trước khi diễn ra Đại lễ, đoàn kiểm tra liên ngành TP do Sở Tài chính chủ trì đã kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 số tổ chức, cá nhân.
Tại sao tình trạng “chặt, chém” khách gửi xe vẫn diễn ra trong dịp Đại lễ?
Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và xử lý vi phạm hành chính các tổ chức cá nhân có điểm trông giữ xe không thực hiện nghiêm túc việc thu phí theo quy định của thành phố. Tuy nhiên, quy định xử phạt vi phạm còn quá nhẹ, nhiều cơ sở vi phạm tới 3 lần.
Sở Tài chính có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Sở Tài chính đã phối hợp với các ngành Thuế, Công an, Quản lý Thị trường, Giao thông vận tải, tăng cường kiểm tra vào ban đêm trong các ngày diễn ra Đại lễ và tập trung vào các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình… để kịp thời xử lý và ngăn chặn tình trạng trên.
Sở Tài chính đã báo cáo UBND TP về vấn đề này và yêu cầu các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các địa điểm trông giữ xe, kiên quyết giải tỏa các điểm trông giữ không phép, trái phép trên địa bàn, thu hồi giấy phép hoặc chấm dứt hợp đồng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định nhiều lần.
Đối với những bến bãi vi phạm sẽ bị xử lý thế nào thưa bà?
Đối với những tổ chức cá nhân quản lý điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, nếu vi phạm nhiều lần sẽ thu hồi giấy phép hoặc chấm dứt hợp đồng. Những tổ chức, cá nhân không được cấp phép, tự ý tổ chức trông giữ xe ngoài việc bị xử phạt hành chính, Sở Tài chính sẽ thông báo UBND quận để yêu cầu dẹp bỏ các điểm trông giữ xe này.
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng như vậy?
Việc tổ chức, cá nhân trông giữ phương tiện giao thông thu phí không đúng quy định, trách nhiệm này thuộc về cấp ngành theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, trong đó có trách nhiệm của địa phương, cụ thể là lãnh đạo UBND quận, phường và người đứng đầu tổ chức trực tiếp quản lý điểm trông giữ xe như giám đốc các công ty, bệnh viện, trường học… được cấp phép trông giữ xe.
Nếu bị “chặt, chém”, người dân sẽ phản ánh với cơ quan chức năng như thế nào?
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành TP đã yêu cầu trên các biển niêm yết giá phải ghi số điện thoại của người trực tiếp quản lý các điểm trông giữ xe để người dân liên hệ nếu người trông xe vi phạm.
Xin cảm ơn bà!
Phong Nguyên