1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khó thay thế hàng nghìn đầu máy, toa tàu hết niên hạn sử dụng

Thế Hưng

(Dân trí) - 114 đầu máy tàu hỏa, 1.472 toa xe hàng và 168 toa xe khách sẽ hết niên hạn vào cuối năm 2025 nhưng việc thay thế gặp nhiều khó khăn do Việt Nam phải thực hiện cam kết COP26.

Khẳng định trên được ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam nêu trong Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành luật đường sắt, diễn ra sáng nay 24/4 tại Hà Nội.

Khó thay thế hàng nghìn đầu máy, toa tàu hết niên hạn sử dụng - 1

Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành luật đường sắt tại Hà Nội (Ảnh: Thế Hưng).

Theo ông Cảnh, qua 5 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017, về cơ bản các quy định phù hợp với thực tế, tạo sự chuyển biến tích cực cho các hoạt động đường sắt. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này cơ bản đã đầy đủ, hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Cảnh, một số vấn đề mới phát sinh gây bất cập. Trong đó, Luật Đường sắt 2017 đã có quy định về ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Tuy nhiên, thực tế việc bố trí kinh phí cho công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 chưa đáp ứng được nhu cầu.

"Theo đó, vốn đầu tư cần khoảng 240.000 tỷ đồng nhưng ngân sách Nhà nước thực tế mới cho giai đoạn 2021-2025 chỉ 14.025 tỷ đồng, tương đương 5,8% so với nhu cầu", Cục Phó Cục Đường sắt thông tin thêm, việc miễn thuế nhập khẩu với máy móc, thiết bị, phụ tùng ngành đường sắt chưa được áp dụng do mâu thuẫn giữa luật đầu tư, thuế.

Các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đang khai thác tổng cộng 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2025, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt sẽ phải dừng hoạt động khoảng 114 đầu máy, 1472 toa xe hàng và 168 toa xe khách theo quy định về niên hạn.

Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam khẳng định, khó khăn lớn nhất hiện nay là thay thế số đầu máy, toa xe hết niên hạn sử dụng. Theo ông Cảnh, ngành đường sắt sẽ phải huy động số vốn lớn để đầu tư đổi mới công nghệ. Hơn nữa, Cục Đường sắt Việt Nam phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc chuyển đổi phương tiện giao thông đường sắt đang sử dụng sang loại không phát thải carbon. Trong khi đó hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật chưa được xây dựng hoàn thiện để thực hiện cam kết.

Từ những bất cập trên, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất điều chỉnh bổ sung quy định với chính sách theo hướng thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt.

Đối với công nghiệp đường sắt, Cục đề xuất quy định các chính sách về hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm cơ khí đường sắt; xây dựng cơ chế đặt hàng cho một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nội địa hóa, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư phát triển đường sắt.

Với phương tiện giao thông đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; quy định đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.

Đặc biệt, về niên hạn sử dụng phương tiện đường sắt, Cục đề xuất sửa đổi chính sách theo hướng phương tiện trong quá trình khai thác sử dụng sẽ được tổ chức đăng kiểm Việt Nam kiểm định định kỳ. Phương tiện sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.

Trong thời gian tới, Cục Phó Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật đường sắt; tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Theo Bộ Giao thông vận tải, luật Đường sắt 2017 quy định phương tiện giao thông đường sắt phải còn niên hạn sử dụng. Đối với đầu máy và toa xe chở khách niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm.

Để thực hiện theo quy định trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lập dự án đầu tư đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel để thay thế đầu máy hết niên hạn. Nhưng theo Quyết định 876, đầu máy, toa xe đường sắt chuyển 100% sang sử dụng điện, năng lượng xanh thì các đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel sẽ bị loại bỏ vào năm 2050.

Theo tính toán của Bộ GTVT, năm 2024 đưa đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel vào sử dụng thì chỉ khai thác được 26 năm, trong khi niên hạn quy định lên tới 40 năm. Do đó, việc khai thác sẽ không đem lại hiệu quả, không đủ thời gian tạo ra lợi nhuận.