Khó đảm bảo "quyền có giấy tờ tuỳ thân" cho trẻ đường phố
(Dân trí) - Quyền có giấy tờ tuỳ thân đã được quy định rõ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong qua trình hỗ trợ thực tế cho trẻ đường phố, đã phát sinh khó khăn: Trẻ không có hộ khẩu không thể làm chứng minh nhân dân, không có chứng sinh không dễ khai sinh...
Ngày 18/12, buổi hội thảo tổng kết dự án “hỗ trợ pháp lý về giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố” đã được tổ chức tại TPHCM. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển Bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở tư pháp TPHCM tổ chức.
Trong buổi hội thảo, các nhân viên xã hội đều cho rằng trẻ em lang thang đều dễ bị tổn thương, yếu thế, gặp nhiều khó khăn nhất trong cả về mưu sinh cũng như việc đảm bảo các quyền cơ bản nhất như giấy tờ tuỳ thân. Việc không có giấy tờ tuỳ thân càng khiến trẻ thiệt thòi trong việc không tiếp cận được các dịch vụ công và các hỗ trợ dành cho trẻ: học việc, tạo việc làm, có nơi cư trú...
May mắn lắm mới có CMND sau 6-10 tháng (!)
Bên cạnh các hệ thống pháp luật, nhà nước còn ban hành những chính sách, nghị định, thông tư hướng dẫn... quy định nhằm bảo đảm tốt hơn việc làm giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em, thanh thiếu niên. Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ em đường phố gặp vô vàn khó khăn.
Với những quy định trong luật cư trú về điều kiện để có hộ khẩu, nhập khẩu với người trên 16 tuổi là phải có chứng minh nhân dân và điều kiện làm chứng minh nhân dân là phải có hộ khẩu.
Điều này khiến cho những thanh thiếu niên lang thang, cơ nhỡ trên 16 tuổi, khó có cơ hội được công nhận là công dân, nếu không có người bảo lãnh cho nhập khẩu. Quy định này khiến cho nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đường phố tốn rất nhiều công sức và thời gian để được làm giấy chứng minh nhân dân.
Trong suốt một năm của dự án từ tháng 1 – 12/2014, phối hợp với Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước, 10 trường hợp làm giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em, thanh thiếu niên đường phố tại TP.HCM đã được hỗ trợ. Tuy nhiên mới chỉ chưa đến một nửa trong số đó nhận được giấy chứng minh nhân dân.
Phát biểu tại hội thảo, ThS. Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD phát biểu “Nhìn lại một năm thực hiện dự án, chúng tôi thấy đã nỗ lực rất nhiều, một ca làm giấy tờ tuỳ thân cho các em (trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố) có khi mất tời 6 tháng – 1 năm để có thể xác định được nguồn gốc, nhân thân và làm giấy tờ tuỳ thân cho các em, với sự tham gia của rất nhiều các bên liên quan.
Đơn cử, mái ấm Quận 10 có hai nhà nam – nữ với số lượng 45 em, nhiều em bé lang thang, cha mẹ không có một mảnh giấy tờ tùy thân, vô cùng chật vật trong việc khai sinh, làm chứng minh nhân dân cho các em. Những trường hợp được gọi là “may mắn” cũng phải tốn từ 6 – 10 tháng, trẻ mới có thể sở hữu được chứng minh nhân dân, đó là phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước và sự tham gia của nhiều bên liên quan – một ý kiến chia sẻ tại hội thảo.
“Trong tổ chức của chúng tôi, hiện có một trường hợp là ba chị em, có em đã 16 tuổi, học khá giỏi, nhưng không có chứng minh thư nên không thể nộp đơn thi đại học, không thể có hợp đồng lao động,” Đại diện Christina Noble – Children’s Foundation, cho biết.
Hay hiện nay tại các bệnh viện, để tránh trường hợp bệnh nhân sau khi sinh, trốn viện, không đóng viện phí, các nơi thường giữ lại giấy chứng sinh của đứa trẻ. Điều này khiến cho việc đăng ký khai sinh gặp nhiều khó khăn và kéo đến hệ lụy khác đó là cũng có bố mẹ vì “nản” nên cũng "chẳng thèm" làm khai sinh cho con (!?).
Thêm vào đó, theo quy định, các cơ sở y tế được phép hủy hồ sơ bệnh án trong 10 năm để giải quyết vấn đề quá tải về lưu trữ, làm cho các trường hợp trẻ em xin nhận lại giấy chứng sinh sau 10 năm khó thực hiện được.
Khó tiếp cận dịch vụ y tế, học hành
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP.HCM, trẻ lang thang, có hoàn cảnh đặc biệt gặp rất nhiều thiếu sót về mặt giấy tờ: giấy chứng sinh khai sai, làm sao đăng ký khai sinh; trẻ có giấy khai sinh, nhưng không biết mẹ ở đâu, không người đăng ký giám hộ; trẻ bị bỏ rơi, mất giấy chứng sinh; cha mẹ không đăng ký kết hôn; cha mẹ không có giấy tờ tùy thân…
“Tôi từng tiếp nhận xin trợ giúp cho trường hợp của cháu Tăng Thị Thanh T. (Bình Hưng, Bình Chánh) khá đặc biệt. Mẹ bỏ đi, cha đã chết. Gần 15 tuổi, nhưng cháu không có giấy khai sinh, bởi lúc sinh, cũng vì quá túng quẫn nên mẹ trốn viện, không kịp làm giấy chứng sinh cho cháu. Khi tiếp nhận, chúng tôi đã tìm đến BV Từ Dũ để trích lục giấy chứng sinh, nhưng hồ sơ bệnh án đã bị tiêu hủy vì đã lưu trữ trên 10 năm.
Để thay thế cho giấy chứng sinh, chúng tôi đã tìm người thân duy nhất của cháu – ông nội, viết tờ tường trình cam đoan về những thông tin mà ông cung cấp là đúng sự thật và được xã Bình Hưng xác nhận chữ ký. Sau khi xác nhận mẹ cháu T. không có nơi cư trú ổn định, cuối cùng chính quyền địa phương nơi cháu Trúc hiện cư ngụ đã phải đứng ra đăng ký khai sinh cho cháu”.
Hiện nay, TPHCM có khoảng 1,8 triệu trẻ em, trong đó gần 400.000 trẻ nhập cư từ các tỉnh thành khác, số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khoảng 70.000 em, 1.450 trẻ lang thang. Trẻ em nhập cư khó có cơ hội tiếp cận đầy đủ nhóm dịch vụ và phúc lợi xã hội.
Tại hội thảo, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho trẻ em/thanh thiếu niên đường phố có cơ hội hơn khi được cấp các giấy tờ tùy thân như: một số vấn đề phát hiện và kiến nghị về hành lang pháp lý hỗ trợ như: quyền trẻ em có giấy tờ tuỳ thân (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu) cần được đưa vào Luật. Trong Luật Bảo vệ và Giáo dục Trẻ em năm 2004 và Luật trẻ em đang sửa đổi quy định Quyền được khai sinh và có quốc tịch (Điều 11) cho trẻ em; tuy nhiên, quyền về chứng minh thư nhân dân chưa được nhắc đến. Đề nghị sửa đổi thành Quyền có giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em.
Thứ hai, đề nghị thay đổi quy trình, có giấy khai sinh thì làm được cấp chứng minh nhân dân mà không cần hộ khẩu; có chứng minh thư nhân dân có thể làm được hộ khẩu mà không yêu cầu phải có nhà;
Thứ ba, hồ sơ của bệnh viện cần được mã hoá, tin học hoá dữ liệu tạo điều kiện cho người dân trích lục sau 10 năm. Ngoài ra đề nghị mở rộng quyền yêu cầu trích lục giấy chứng sinh, cho các nhân viên xã hội và người giám hộ thay vì chỉ cho phép người thân.
Thứ tư, để tạo điều kiện cho việc hỗ trợ quyền tư pháp về giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân được quyền xác nhận nhân thân của trẻ, giám hộ trẻ.
An Quý