1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khiếp đảm vì đàn hổ nuôi sát cạnh nhà

(Dân trí) - Liên quan vụ hổ Khu du lịch Đại Nam cắn chết người, chúng tôi về thăm những trại nuôi hổ ở Bình Dương và biết một sự thật lạnh người: Hổ ở các trại nuôi đã nhiều lần sổng chuồng, thậm chí hổ còn chạy… vào nhà dân.

Trồng dâm bụt để… ngăn hổ

 

Chiều 13/9, chúng tôi đã đến trại nuôi hổ có quy mô lớn với 31 con hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương (Pacific) tại ấp Nội Hóa I, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trại nuôi hổ nằm giữa khu dân cư đông đúc, cửa chuồng đóng kín im lìm. Khi tiến sát bên vách tường, tôi giật thót tim khi nghe tiếng hổ gầm rú.

 

Các hộ dân sống xung quanh trại nuôi hổ Công ty Bia Thái Bình Dương cho biết: Sau khi nghe thông tin con hổ Khu du lịch Đại Nam nhảy khỏi chuồng cắn chết người, cả khu dân cư Nội Hóa I, xã Bình An, đêm ngày lo sợ đàn hổ dữ của ông Ngô Duy Tân đang nuôi trong khu liệu có sổng chuồng?

 

Chúng tôi đến nhà ông Lê Thanh Thiều ở ấp Nội Hóa I, xã Bình An, huyện Dĩ An. Nhà ông nằm sát bên bức tường rào chuồng nuôi hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương. Ông Thiều nhớ lại sự kinh hãi cách đây 3 năm về trước: Lúc đó khoảng 4-5 giờ chiều, một con hổ to 50-60kg đã nhảy vọt qua hàng rào chạy thẳng vào sân nhà ông. Mọi người trong nhà cả người lớn và trẻ em hoảng loạn la lên và kêu nhau chạy vào nhà đóng cửa lại.

 

Ông Thiều hãi hùng kể: “Con hổ cứ ve vởn trong sân, tôi sợ quá báo cho Công ty Thái Bình Dương. Lúc đó, anh Vệ nhân viên nuôi hổ mới chạy qua tìm cách xua đuổi con hổ chạy về chuồng”.
 


Khiếp đảm vì đàn hổ nuôi sát cạnh nhà - 1

Khu du lịch Đại Nam, nơi xảy ra vụ hổ vồ chết người "hoang đường". (Ảnh: Công Quang)

 

Ông Thiều cho biết thêm: Cách đây mấy năm, khi mới đưa hổ về nuôi, ông Tân chưa kịp xây hàng rào cao mà chỉ dùng hàng cây dâm bụt trồng để ngăn đàn hổ. Sau khi con hổ sổng chuồng chạy sang khu vực nhà dân, ông có báo lên chính quyền xã Bình An xuống kiểm tra và yêu cầu ông Tân xây tường rào cao hơn.

 

Bà Nguyễn Thị Chiên sống trong căn nhà có tường rào rất cao, song bà cho biết hàng ngày vẫn “sợ xanh da” khi đàn hổ của ông Tân nuôi bên cạnh nhà. Vào mùa động dục, đàn hổ gầm rú suốt ngày, cao điểm là lúc 4-5 giờ sáng hổ kêu rất dữ dội khiến người dân luôn sống trong thất thỏm lo âu.

 

Bà Chiên bức xúc nói: “Ai đời đưa đàn hổ dữ mấy chục con nuôi trong khu dân cư rất đông người dân sinh sống. Mỗi lần trời chuyển mưa, cả đàn hổ kêu rú và từ chuồng tỏa ra mùi hôi thối rất khó chịu. Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền việc nuôi hổ của ông Tân trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường cần chấn chỉnh, nhưng sự việc vẫn như cũ”.

 

Năm 2007, sau khi ở Bình Dương dấy lên chuyện các “đại gia” nuôi hổ, 4 trại được nuôi thí điểm gồm: Khu du lịch Đại Nam, Công ty Bia Thái Bình Dương, Khu du lịch Thanh Cảnh và trại nuôi hổ Huỳnh Phi Ngọc. Nhưng sau khi bị hổ sổng chuồng, anh Ngọc đã hiến tặng đàn hổ cho Khu du lịch Đại Nam nên đến nay Bình Dương chỉ còn lại 3 trại nuôi thí điểm.

 

Quan chức đến ngắm thú rồi về?

 

Điều khá ngạc nhiên là sau khi Chính phủ cho Công ty Cổ phần Đại Nam, Công ty Bia Thái Bình Dương và Khu du lịch Thanh Cảnh được gây nuôi thí điểm động vật hoang dã, nhiều cơ quan gồm: CITES VN, Kiểm lâm vùng III, Kiểm Lâm Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường... đã thành lập Hội đồng thẩm định phương án của các trại nuôi thí điểm. Dư luận cho rằng: không có quy chuẩn thì căn cứ đâu thẩm định? Liệu các đợt kiểm tra là để cho các quan chức đến ngắm thú rồi… về?

Được nuôi thí điểm nhưng không có quy chuẩn chuồng trại

 

Sau khi xảy ra sự cố hổ cắn chết người, đoàn công tác cơ quan kiểm lâm vùng III và Kiểm lâm Bình Dương mới vào cuộc điều tra thực trạng và nguyên nhân vụ việc. Các quan chức kiểm lâm thừa nhận rằng: đến nay chưa có văn bản hay quy định nào về quy chuẩn chuồng trại nuôi thú dữ, đặc biệt là nuôi hổ nên rất khó kiểm soát được.

 

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, ngay từ năm 2007, các cơ sở nuôi nhốt thú dữ, trong đó có loài hổ, đều căn cứ theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 20/8/2006 về “Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Việt Nam là nước thành viên tham gia “Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”, được gọi là Công ước CITES.

 

Sau khi nghị định này có hiệu lực thi hành, theo đó trong năm 2007, Chính phủ đã cho phép 3 cơ sở nuôi hổ với tư cách là nuôi động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng gồm có: Công ty bia Thái Bình Dương (huyện Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (huyện Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một).

 

Do Việt Nam đã là thành viên của CITES, vì vậy về tính chất nuôi hổ của các cơ sở này chủ yếu là phục vụ cho mục đích công tác gây nuôi nhằm bảo tồn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ nhằm phục vụ cho công tác khoa học, tham quan, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm trong cộng đồng, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại. Trên thực tế, quá trình nuôi thí điểm bước đầu đã có những thành công cho mục đích bảo gồn, gây nuôi sinh sản. Cụ thể, các cơ sở này bắt đầu có những kết quả khích lệ khi thực hiện thành công, riêng ở khu du lịch Đại Nam đến nay đã có 8 con hổ được sinh sản tại vườn thú.
 
Khiếp đảm vì đàn hổ nuôi sát cạnh nhà - 2
Thí điểm nuôi hổ, "thí điểm" cả chuồng trại khiến hổ đã nhiều lần vượt rào, xông vào cả nhà dân. (Ảnh: Công Quang)

 

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nguyên, việc cho nuôi thí điểm động vật hoang dã mà không ban hành các quy chuẩn trong nuôi thú dữ khiến Kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn, nan giải trong khâu quản lý nhà nước. Mặc dù hàng năm Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thường xuyên, đôn đúc các chủ trại nuôi thú hoang dã thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối cho người và đàn thú, nhưng đến nay, việc chưa có quy chuẩn nào đưa ra nên đã làm khó cho đơn vị, ông Nguyên nhìn nhận!

 

Dư luận ở Bình Dương lên tiếng: nếu chưa có quy chuẩn về chuồng trại thì rõ ràng không nên tiếp tục cho nuôi “thí điểm”, nhất là về sự an toàn cho người dân khi các loại thú dữ được nuôi giữa khu dân cư.

 

Được biết cả 3 trại gây nuôi thí điểm động vật hoang dã đã nhiều lần trình phương án nhưng đoàn kiểm tra đều nói không đạt và phải làm lại. Riêng Khu du lịch Đại Nam cho biết đã ba lần trình phương án nhưng đoàn kiểm tra đều bắt chỉnh sửa, khiến đơn vị cứ mãi loay hoay với việc lập phương án xây dựng chuồng trại.

 

Cho đến ngày hôm nay, sau khi để xảy ra vụ hổ cắn chết nhân viên, Khu du lịch Đại Nam đã đóng cửa các chuồng nuôi hổ trong vòng 15 ngày để chờ sửa chữa chuồng trại, gia cố thêm sắt hàng rào cao 5m.

 

Ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam cho biết: hàng rào hiện hữu sẽ được tăng thêm một lớp thứ hai cao 5m nhằm tuyệt đối an toàn mới phục vụ du khách trở lại. Cũng theo ông Dũng thì con hổ cắn chết người đã bị nhốt cách ly và sẽ bị bỏ đói cho đến chết.

 

Xử lý hình sự vụ buôn bán hổ chết

 

Năm 2006, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt 4 Việt kiều Úc đang mua bán một con hổ chết tại nhà một “đại gia” nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, thị xã Thủ Dầu Một. Vụ việc sau đó chìm vào “quên lãng” gần 3 năm, mới đây UBND tỉnh chỉ đạo nối lại điều tra.

 

Được biết, liên quan vụ buôn bán hổ này, Kiểm lâm Bình Dương đã báo cáo lên Cục Kiểm lâm và xin ý kiến xử lý. Cục Kiểm lâm sau đó có công văn yêu cầu không được xử lý vụ việc vi phạm hành chính mà kiến nghị Bình Dương khởi tố vụ án hình sự. Nhưng vụ việc trở nên phức tạp vì khi đó UBND tỉnh đã ra công văn xử lý hành chính vụ việc nói trên, nhưng giữa các ngành có ý kiến mâu thuẫn nhau. Sau đó, vụ việc phải đưa ra họp bàn, tìm cách xử lý lại. Mãi đến tháng 6/2009, tại cuộc họp giữa Công an, Viện kiểm sát, Kiểm lâm với UBND tỉnh mới đạt được kết luận: Xử lý vụ buôn bán hổ chết của nhóm Việt kiều Úc với mức độ vụ án hình sự.

 

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết: Việc buôn bán hổ chết của nhóm Việt kiều Úc trước đây đã được UBND tỉnh cho xử lý vi phạm hành chính. Nhưng sau khi báo cáo lên Cục Kiểm lâm không đồng ý xử lý hành chính mà yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và vụ việc đang được Công an điều tra, chưa có kết luận cụ thể nào.

 

Dương Chí Tưởng

 TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm