Khi nào người lao động được đi lại giữa TPHCM và 4 tỉnh lân cận?
(Dân trí) - TPHCM đề nghị từ ngày 4/10 tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TPHCM và 4 tỉnh lân cận. Tuy nhiên, đến nay các địa phương chưa thống nhất phương án TPHCM đề xuất.
Ngày 1/10, UBND TPHCM có văn bản gửi 4 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh) về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
Theo đó, TPHCM đề xuất phương án cho người lao động, chuyên gia di chuyển giữa TPHCM và các tỉnh lân cận bằng xe ô tô đưa đón và xe cá nhân, thời gian thực hiện từ 4/10.
Đến ngày 4/10 mới có tỉnh Long An cơ bản thống nhất với đề xuất phương án này và gửi văn bản trả lời đến UBND TPHCM. Tuy nhiên, Long An đề nghị TPHCM cân nhắc bỏ giấy nhận diện theo mẫu, chỉ cần nhận diện bằng văn bản trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp do các Sở giao thông vận tải trong khu vực cấp (TPHCM và 4 tỉnh).
Việc này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp phép do số lượng phương tiện của từng doanh nghiệp rất lớn.
"Thời gian chấp thuận bằng văn bản chung cho doanh nghiệp sẽ được rút ngắn so với việc cấp giấy nhận diện cho từng phương tiện" - công văn UBND tỉnh Long An nêu rõ.
Trong khi đó, đến ngày 5/10, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai mới thống nhất phương án đề xuất của Sở Giao thông vận tải tỉnh này sau cuộc họp liên ngành.
Cụ thể, kết luận cuộc họp cùng ngày, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - thống nhất phương án cho người lao động, chuyên gia di chuyển vào Đồng Nai bằng xe ô tô, chưa được đi bằng xe cá nhân.
Trước đó, ông Dương Mạnh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai - phân tích: "Tình hình dịch bệnh tại Đồng Nai còn phức tạp, nếu cho phương tiện cá nhân vào đi lung tung thì kiểm soát rất khó".
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cho rằng khi tỉnh bước vào trạng thái bình thường mới, tình hình dịch bệnh ổn định mới có thể cho xe cá nhân vào địa bàn. Sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ra văn bản gửi UBND TPHCM để thống nhất chung.
Cùng ngày, Sở Giao thông vận tải Tây Ninh đã gửi văn bản góp ý dự thảo phương án đến Sở Giao thông vận tải TPHCM, trong đó đề nghị điều chỉnh thời gian sau khi tiêm vaccine và thời hạn xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo đó, người lao động, chuyên gia, người tham gia đưa đón phải đáp ứng các điều kiện: Tiêm vaccine Covid-19 (ít nhất một mũi với loại vắc xin 2 mũi và ít nhất 21 ngày sau khi tiêm), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.
Trong 4 tỉnh lân cận, chỉ có Bình Dương chưa gửi góp ý, hay phản hồi dự thảo phương án của TPHCM.
Nguồn tin của PV Dân trí cho biết, đến chiều 5/10, Sở Giao thông vận Bình Dương vẫn đang hoàn thiện dự thảo góp ý theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương.
Sở Giao thông vận tải Bình Dương trước đó đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh sau khi bổ sung một số thay đổi so với dự thảo của TPHCM.
Điều kiện người lao động được qua lại giữa TPHCM và 4 tỉnh
Theo phương án của TPHCM, người dân được sử dụng xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe máy) di chuyển giữa TPHCM và 4 tỉnh lân cận khi đáp ứng điều kiện: Khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng hoặc đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 (ít nhất một mũi với loại vắc xin 2 mũi và sau 14 ngày tiêm). Ngoài ra, phải có xác nhận xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong 7 ngày).
Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển thông qua ứng dụng VNEID và mã QR thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (khi ứng dụng PC-COVID chưa hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, người lao động cần xuất trình một trong các giấy tờ: khỏi Covid-19 dưới 6 tháng, đã tiêm vắc xin Covid-19 (ít nhất một mũi với loại tiêm 2 mũi và sau 14 ngày).
Với trường hợp doanh nghiệp tổ chức đưa đón công nhân, chuyên gia, những người này phải đáp ứng điều kiện như người sử dụng xe cá nhân.
Các đơn vị có trụ sở trên địa bàn TPHCM lập phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối (Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện) đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian, tổng hợp gửi Sở Giao thông vận tải để được cấp giấy lưu thông liên tỉnh.
Ngược lại, trường hợp đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn 4 tỉnh, cần đăng ký với Sở Giao thông vận tải địa phương để được cấp giấy lưu thông liên tỉnh.