Khi Chính phủ, Quốc hội là "khách hàng" của báo chí
(Dân trí) - "Chỉ thị của Thủ tướng truyền đi thông điệp rằng truyền thông chính sách là nhiệm vụ, chức năng của cơ quan Nhà nước, và Nhà nước phải bố trí kinh phí cho việc này", theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm.
Bố trí kinh phí, nghiên cứu việc đặt hàng các cơ quan báo chí nhằm tăng truyền thông chính sách là nội dung quan trọng được đề cập trong Chỉ thị mới được ban hành của Thủ tướng, về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận thực tế việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường truyền thông chính sách vì vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Truyền thông chính sách là nhiệm vụ, chức năng của cơ quan Nhà nước
Trao đổi với phóng viên Báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường công tác truyền thông chính sách đã khẳng định và củng cố một nhận thức hết sức quan trọng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trong truyền thông chính sách.
"Trước đây, mỗi khi nói đến truyền thông chính sách, nhiều nơi, nhiều cấp thường coi đó chỉ là việc, là trách nhiệm của báo chí. Nếu có vấn đề gì, họ thường cho rằng lỗi trước hết là ở báo chí. Đó là nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ", ông Lâm nhận định.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định Chỉ thị của Thủ tướng đã truyền đi thông điệp rõ ràng rằng "truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan Nhà nước". Nghĩa là Nhà nước sẽ phải bố trí nhân lực và kinh phí tương xứng cho công tác này.
Nhìn nhận việc "ai làm gì" đã rõ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành với công tác truyền thông chính sách của Nhà nước, nhưng qua đây sẽ có thêm được nguồn kinh phí đến từ ngân sách Nhà nước, thông qua các hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu.
Chung góc nhìn, TS Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), cũng cho rằng các cơ quan Nhà nước cần thay đổi tư duy, cách nhìn nhận trong chuyện kết nối với cơ quan báo chí.
"Hai bên phải coi nhau là đối tác chặt chẽ để cùng triển khai nhiệm vụ chính trị chung là truyền thông chính sách pháp luật đến người dân, thông tin những gì dân cần hay những gì Nhà nước cần đưa đến cho dân", theo lời ông Quốc.
Ông cho biết Nghị định 32 của Chính phủ ban hành năm 2019 đã đề cập đến việc đặt hàng cơ quan báo chí nhằm hỗ trợ dịch vụ liên quan đến truyền thông, hỗ trợ cho quản lý Nhà nước của các cơ quan. "Song sau gần 4 năm, các cơ quan báo chí có vẻ còn lúng túng trên con đường tìm đến nơi có thể kết hợp chặt chẽ triển khai công việc, còn cơ quan Nhà nước cũng chưa quen với vấn đề này", ông Quốc nói.
Nhấn mạnh báo chí đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa người làm chính sách với nhân dân, ông Quốc nhận định nếu cả phía cơ quan Nhà nước và các cơ quan báo chí đều coi nhau là đối tác, là khách hàng, cả hệ thống chính trị có thể nắm tay nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ truyền thông.
"Khi các cơ quan Nhà nước, gồm cả Quốc hội, Chính phủ, trở thành "khách hàng" của báo chí, hiệu quả truyền thông chính sách sẽ tăng lên rất nhiều", ông Quốc nhấn mạnh.
Với những cơ chế đã có cùng cách nhìn nhận thực trạng từ lãnh đạo Chính phủ, ông Quốc cho rằng vấn đề còn lại chỉ là cách hành động. "Cần thay đổi tư duy kinh tế báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị chứ không phải phục vụ cho sự phát triển của cơ quan báo chí đó", theo ông Quốc.
Ông phân tích kinh tế báo chí hiện nay chủ yếu nhờ vào cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn là cơ quan Nhà nước. "Đây là một sự lãng phí, khiến cơ quan báo chí nhiều khi chưa làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình", ông Quốc nói.
Tạo nguồn ngân sách "ra tấm ra món" cho truyền thông chính sách
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) chỉ ra việc báo chí có sứ mệnh đưa thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và tạo nên luồng thông tin sạch phục vụ người dân, phục vụ cho sự phát triển.
Nhưng nếu đơn thuần chỉ coi đó là "nghĩa vụ", thì có lẽ không một cơ quan báo chí nào có thể hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh của mình. Bởi muốn đưa tin thì phải có nội dung thông tin để đưa, muốn hỗ trợ truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước thì phải có thông tin sạch đầu vào để cung cấp cho báo chí.
"Vũ khí hữu hiệu nhất để xử lý thông tin sai lệch chính là thông tin chính thống. Nếu chúng ta có thông tin sạch, thông tin chính thống, chủ động làm sớm, làm quyết liệt, có chiều sâu và thực chất thì sẽ không có dư địa cho thông tin xấu độc", ông Quốc nói.
Ông cũng chỉ ra rào cản với báo chí hiện nay khi nhiều phóng viên phải tự đi tìm nguồn thông tin, và sẽ có những thông tin không mang tính chính thống. Vì vậy, để hiệu quả truyền thông chính sách được nâng cao, cần sự thay đổi và chủ động ở cả hai phía cơ quan Nhà nước và các cơ quan báo chí.
"Để tạo nên tiếng vỗ tay phải có hai bàn tay. Tay phải của các cơ quan báo chí thì tay trái là sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước và các cơ quan này cũng phải có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin, phối hợp báo chí truyền tải thông tin đó cho các đối tượng mà họ cần", ông Quốc ví von.
Nêu vướng mắc về câu chuyện kinh phí cho truyền thông chính sách, TS Lê Vệ Quốc dẫn chứng thực tế từng nghe nhiều chia sẻ từ cán bộ về việc từ khi làm dự toán ngân sách năm, vì chưa quen nên nhiều cơ quan Nhà nước không đưa nội dung này vào dự toán năm của cơ quan. Do đó, khi báo chí đến đặt vấn để phối hợp thì không có nguồn ngân sách dành cho việc đó.
Từ những bất cập trong thực tế, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách hồi cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra yêu cầu cụ thể mang tính định lượng về việc các cơ quan dành 1-2% ngân sách để triển khai các hoạt động truyền thông chính sách hiệu quả.
"Vì vậy, Bộ Tài chính phải chủ động vào cuộc xử lý, tạo nguồn ngân sách ra tấm ra món cho các cơ quan Nhà nước khi muốn phối hợp với các cơ quan báo chí để triển khai truyền thông chính sách một cách mạnh mẽ", ông Quốc nhấn mạnh.
Về vấn đề này, tại hội nghị truyền thông chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ sẽ tiếp thu kiến nghị về "mũ" chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách.