1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Khảo sát 5.000 người dân để đo chỉ số hài lòng với cán bộ

Doãn Công

(Dân trí) - Ba huyện miền núi ở Bình Định dẫn đầu chỉ số hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công trong các địa phương thuộc tỉnh này.

Ngày 2/3, tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023.

Khảo sát 5.000 người dân để đo chỉ số hài lòng với cán bộ - 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Tiến Nghĩa).

Theo đó, tỉnh đã khảo sát 5.000 người dân về mức độ hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công tại các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã trong phạm vi toàn tỉnh.

Kết quả, chỉ số hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công đối với các cơ quan thuộc UBND tỉnh Bình Định, bình quân đạt 90,38%. Trong đó, Sở Tư pháp chỉ số hài lòng cao nhất (99,33%), Sở Thông tin và Truyền thông (97,98%), Sở Nội vụ (97,38%), Sở Giáo dục và Đào tạo (97,37%).

Thấp nhất là Sở NN&PTNT (81,93%), tiếp đó là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (83,73%).

Chỉ số hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, trung bình 86,89%. Trong đó, cao nhất là cả 3 huyện vùng núi, gồm Vĩnh Thạnh, Vân Canh và An Lão, đều đạt trên 90%.

Các huyện đồng bằng đạt dưới 90%, trong đó thấp nhất là huyện Tuy Phước (78,11%).

Khảo sát 5.000 người dân để đo chỉ số hài lòng với cán bộ - 2

UBND tỉnh Bình Định trao bằng khen cho 8 tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện công tác cải cách hành chính từ năm 2021-2022 (Ảnh: Tiến Nghĩa).

Chỉ số hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công đối với 5 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cụ thể: Kho bạc Nhà nước tỉnh (86,73%); Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh (85,81%), Bảo hiểm xã hội tỉnh (81,17%); Cục Thuế tỉnh (80,14%) và Cục Hải quan tỉnh (74,33%).

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, thực trạng tình hình hiện nay và nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh trong thời gian tới, trước mắt là trong năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chính là "chìa khóa" để giải quyết tất cả điểm nghẽn, bất cập, hạn chế tồn tại trong công tác cải cách hành chính.

Ông Giang yêu cầu các ngành, địa phương cần phân tích, đánh giá sâu, từ đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá căn cứ vào tình hình thực tế, có chương trình hành động khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Đặc biệt, mọi khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp phải được xem xét, giải quyết kịp thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm